Đá lạnh không tan, xà phòng làm bằng thép không gỉ, tủ lạnh đựng được 4 lon Coca... là những mặt hàng "lạ" xuất hiện tràn ngập trên chợ mạng với cam kết xuất xứ từ Nhật, Mỹ...
Nhu cầu giải nhiệt của người dân tăng mạnh trong thời tiết nắng nóng là cơ hội cho những sản phẩm tiện lợi xuất hiện.
Hấp dẫn vì "lạ"
Đặc điểm của các loại đá lạnh không tan là giữ nhiệt rất tốt, chỉ cần cho vào tủ lạnh 3-4 giờ là có thể mang ra sử dụng như nước đá thông thường và có thể tái sử dụng vĩnh cửu. Hiện nay trên thị trường có 2 sản phẩm đá lạnh không tan, một được làm bằng đá thiên nhiên và một loại được làm bằng inox không gỉ. Giá bán loại đá "lạ" này dao động từ 300.000 đồng đến gần 2 triệu đồng/ hộp loại 6 viên.
Cách đây hơn tháng, nhiều trang mua sắm trực tuyến rao bán tủ lạnh mini USB. Những chiếc tủ lạnh mini USB được quảng cáo có thể đựng được một lon nước, loại khác đựng được 4 đến 6 lon, có loại chứa được 8 lon Coca-Cola. Cái "lạ" nhất của loại tủ lạnh bé tẹo này chính là sử dụng nguồn điện từ máy tính hoặc laptop để làm lạnh bên trong, lại rất nhỏ gọn để đặt trên bàn làm việc hay mang đi du lịch. Giá mỗi chiếc tủ lạnh siêu nhỏ này dao động từ 350.000-600.000 đồng, tùy theo chủng loại và kích cỡ.
Gần đây nhất, cộng đồng mạng lại xuất hiện một loại sản phẩm "lạ" khác, đó là xà phòng vĩnh cửu làm bằng thép không gỉ, không có mùi, không cần phải ngâm hay bôi loại hóa chất tẩy rửa nào nhưng vẫn có thể loại bỏ mùi tanh của cá, thịt, hành, tỏi, thậm chí là mùi hôi của cơ thể… Cách sử dụng của xà phòng này tương tự bánh xà phòng bình thường, chỉ cần để trong lòng bàn tay và xoa dưới vòi nước từ 3-60 giây. Loại xà phòng này có hình thức giống như bánh xà phòng thông thường, có giá bán từ 120.000-150.000 đồng/bánh...
Một loại đá lạnh không tan được rao bán trên chợ mạng Ảnh: Internet
Nghi ngờ nguồn gốc
Theo cam kết của các đơn vị bán hàng online, những loại sản phẩm "lạ" trên có nguồn gốc từ Nhật và Mỹ, một số nơi còn cho biết hàng được nhập từ châu Âu… Thông tin trên một trang bán hàng trực tuyến, loại xà phòng bằng thép không gỉ có xuất xứ Nhật Bản nhưng lại được sản xuất gia công tại Trung Quốc.
Anh Huỳnh Quốc Thắng, giám đốc một công ty phân phối hàng tiêu dùng, khẳng định những loại hàng hóa "lạ" đang bán đa phần có nguồn gốc từ Trung Quốc. "Trung Quốc đang là "thiên đường" của thế giới về hàng OEM (Original Equipment Manufacturing, tạm dịch: sản xuất thiết bị gốc) nên các công ty ở Mỹ, Nhật đặt làm từ Trung Quốc với mẫu mã và thương hiệu của họ, sau đó nhập về nước rồi bán ra thị trường. Cũng có kiểu họ đặt cho Trung Quốc sản xuất rồi chuyển trực tiếp cho khách hàng từ Trung Quốc, họ chỉ đóng vai trò trung gian. Với những mặt hàng này, khách hàng nên cẩn trọng khi chọn mua, tham khảo thật kỹ nguồn gốc cũng như chọn kênh mua hàng an toàn để khỏi "tiền mất tật mang". Một vấn đề quan trọng mà người tiêu dùng nên chú ý đó là tính an toàn cho sức khỏe khi sử dụng những sản phẩm này" - anh Thắng lưu ý thêm.
Luật sư Trần Đức Phượng, đoàn Luật sư TP HCM, cho biết: "Với những mặt hàng kể trên, người tiêu dùng phải hết sức cẩn trọng khi chọn mua. Những sản phẩm này không có đại diện bán hàng hợp pháp tại Việt Nam nên khi có sự cố xảy ra, khách hàng chỉ trông chờ vào người bán, mà người bán nhiều khi không có hóa đơn hay chứng từ nên rất khó bắt lỗi. Do đó, khách hàng nên chọn những đơn vị bán hàng uy tín, có hóa đơn chứng từ đầy đủ, không nên mua ở những nơi nhỏ lẻ".