Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, số diện tích ao, đầm có tôm nuôi bị chết ở 3 xã bãi ngang Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung của huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã lên đến hơn 685/956ha, với 1.053 hộ bị thiệt hại, trong đó có nhiều hộ mất trắng.
Tôm chết la liệt
Những ao tôm thẻ, tôm sú mới được nông dân 3 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn thả nuôi gần 2 tháng, trong đó nhiều diện tích nuôi sắp đến ngày cho thu hoạch bỗng nhiên chết hàng loạt, khiến nhiều hộ dân ở đây rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần.
Vào thăm khu nuôi tôm của gia đình anh Đào Văn Cường ở xóm 6 xã Kim Đông, chúng tôi không khỏi xót xa khi bắt gặp những vuông tôm hoang tàn, xơ xác. Anh Cường cho hay: “Gần 2 mẫu đầm tôm nuôi sắp đến ngày thu hoạch, giờ chết cả khiến vợ chồng tôi trở tay không kịp. Cách đây khoảng 10 ngày, khi cho tôm ăn, tôi thấy tôm có hiện tượng chết, nổi đỏ rải rác khắp ao hai vợ chồng tìm mua thuốc về xử lý nhưng không kịp. Bao nhiêu công sức, tiền của đầu tư vào tôm giờ coi như mất trắng. Không biết bao giờ gia đình mới trả hết nợ”.
Nông dân nuôi tôm ở 3 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn (Ninh Bình) thu dọn, khử trùng ao nuôi để chuẩn bị thả lứa tôm mới. ảnh: Trần Quang
Hộ ông Trần Duy Hòa ở xóm 5, xã Kim Trung còn bị thiệt hại nặng nề hơn nhiều. Hơn 3 mẫu ao nuôi tôm sú của gia đình ông giờ đây trống không, chỉ còn lại một vài xác tôm chết nổi lơ thơ trên mặt nước, bốc mùi tanh thối dưới cái nắng hè gay gắt. “Thiệt hại của bà con chúng tôi rất lớn, không biết bao giờ mới gượng dậy được” – ông Hòa chia sẻ.
Do lượng tôm chết đột ngột và nhiều nên mấy ngày qua, gia đình anh Nguyễn Văn Thuần ở xóm 4, xã Kim Trung phải huy động nhiều người trong gia đình vớt tôm, dọn, xử lý ao nuôi. “Lượng tôm chết phải lên đến trên 80% khiến các hộ nuôi quy mô lớn, nhỏ trên địa bàn xã đều rơi vào cảnh nợ nần, điêu đứng”- anh Thuần nói.
Theo phản ánh của bà con, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tôm chết hàng loạt có thể do nguồn nước lấy vào các ao, đầm nuôi bị ô nhiễm, cùng với thời tiết nắng nóng kéo dài trong những ngày vừa qua khiến tôm bị nhiễm bệnh chết nhanh và khó kiểm soát. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Ngọc Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hải cho biết, toàn xã có trên 289ha nuôi tôm, song đợt vừa qua tôm chết tới hơn 90% diện tích, khiến 247 hộ bị ảnh hưởng.
Tôm chết do nhiễm khuẩn?
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Anh Khôi - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kim Sơn cho biết: Từ ngày 10.5, khi phát hiện tôm chết rải rác ở các hộ nuôi, Phòng Nông nghiệp huyện đã phối hợp Chi cục Thú y tỉnh Ninh Bình lấy 8 mẫu bệnh gửi đi xét nghiệm tại Trung tâm Chuẩn đoán thú y T.Ư. Kết quả cho thấy, tôm đã bị nhiễm vi khuẩn V parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND).
“Tôm mắc bệnh là do thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng kéo dài, cường độ ánh sáng mạnh, nhiệt độ cao gây ra hiện tượng thiếu oxy, khiến khả năng kháng bệnh của tôm giảm mạnh” – ông Khôi khẳng định.
Sau khi xác định được nguyên nhân tôm chết, UBND huyện Kim Sơn đã nhanh chóng tổ chức hội nghị công bố nguyên nhân, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho người nuôi tôm; chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tiến hành lấy mẫu ở những khu vực có tôm nuôi chết để xét nghiệm.
“UBND huyện Kim Sơn cũng có tờ trình gửi UBND tỉnh Ninh Bình xin hỗ trợ kinh phí để mua hóa chất xử lý các khu vực có tôm bị bệnh và tôm chết. Để giảm bớt thiệt hại, chúng tôi đã khuyến cáo người dân nên tổ chức thu hoạch đối với các diện tích tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm” – ông Khôi chia sẻ.
Xử lý ao, đầm nuôi tôm theo đúng quy trình kỹ thuật Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết: Theo mẫu tôm mà Ninh Bình gửi lên Trung tâm Chuẩn đoán thú y T.Ư xét nghiệm cho thấy tôm của bà con ở Kim Sơn bị gan tụy (hay còn gọi là bệnh chết sớm). Đây là một loại bệnh rất nguy hiểm trên tôm, đặc biệt là ở tôm thẻ. Tôm đã bị bệnh này thì không có thuốc chữa. Theo nguyên tắc, đối với những loại bệnh này khi phát hiện, các hộ cần báo dịch cho các cơ quan thu y biết sớm để có biện pháp kịp thời. Đặc biệt, khi tôm bị bệnh này, bà con không được di chuyển giống, thả nuôi tiếp xuống các hồ xung quanh. Đối với các ao, đầm tôm có thể thu hoạch được thì thu, còn với những diện tích không thu được, người nuôi nên dùng formol hoặc Chlorine để xử lý. Những ao nuôi tôm chết nhiều (80 - 100%) bà con nên vớt hết tôm chết đem chôn. Đối với các ao lót bạt, bà con phải khử trùng phơi khô ít nhất 10 ngày, ao đất phải 30 ngày, sau đó mới thả nuôi tiếp theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật địa phương. Để tránh thiệt hại không đáng có, tôi khuyên bà con nên chọn mua giống tôm ở những địa chỉ kinh doanh giống uy tín để đảm bảo chất lượng tôm tốt và giảm nguy cơ dịch bệnh. Trần Quang (ghi) |