Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị đã rà soát, thống kê tại Hà Nội có 17.000 tài khoản kinh doanh trực tuyến. Những tài khoản này sẽ được động viên đăng ký nộp thuế, một số tài khoản kinh doanh lớn, rõ ràng có thể bị truy thu.
Người kinh doanh online nhấp nhổm
Thông tin Cục Thuế TPHCM mới đây phát thư mời đến 13.469 chủ tài khoản Facebook có hoạt động kinh doanh để yêu cầu làm nghĩa vụ nộp thuế, đang khiến cho hàng loạt các cửa hàng online tại Hà Nội lo lắng.
Chị Lê Thị Hoa (nick facebook bán hàng Myphamxachtay…) băn khoăn về cách cơ quan thuế xác định doanh thu của kinh doanh trên mạng. Các đơn hàng chủ yếu là nhắn tin hoặc gọi điện. Còn việc bán và thu tiền thì qua các shipper (người giao hàng) nên việc thu thuế khó khả thi. “Tuy nhiên, nếu phải đóng thuế, tôi rất mong cơ quan thuế đảm bảo thu thuế công bằng, bình đẳng”, chị Hoa nói.
Hà Nội đang có gần 17.000 tài khoản kinh doanh trên trang mạng xã hội Facebook. Ảnh: T.H.
Là một người kinh doanh lâu năm về lĩnh vực mỹ phẩm, chị Loan (nickname KemTrangDa…) chia sẻ thẳng thắn, mỗi năm, doanh thu của tôi trên dưới 1 tỷ đồng. Tuy không mất tiền thuê cửa hàng nhưng bán hàng online cũng mất nhiều chi phí khác. Ví dụ như tiền chạy quảng cáo trên Facebook, những đợt cao điểm cửa hàng chạy đến 50 – 70 USD/tuần (tương đương hơn 1 – 1,5 triệu đồng/tuần). Chưa kể tiền thuê nhân viên viết nội dung, trả lời tin nhắn khách hàng…
“Cần có quy định cho các cá nhân kinh doanh online phải kê khai, đến một mức nhất định thì mới phải nộp thuế. Như vậy sẽ dần kiểm soát được nguồn thu”. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu |
Dễ nhận thấy, hoạt động buôn bán trên các trang mạng Facebook tại Hà Nội không còn nhộn nhịn như trước. Lý do bởi các chủ cửa hàng online bắt đầu cẩn thận hơn trong các giao dịch. Nếu trước đây, giá các mặt hàng đều được niêm yết cụ thể, thì nay khi khách hỏi thì sẽ được inbox (nhắn tin riêng). Các bình luận mua hàng cũng được chủ cửa hàng ẩn đi để tránh bị cơ quan chức năng “soi”.
Theo thống kê của Cục Thuế thành phố Hà Nội, thành phố đang có gần 17.000 tài khoản kinh doanh trên trang mạng xã hội Facebook.
Truy thu thuế những tài khoản lớn
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, kiêm Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết 19, từ năm 2014 đến nay, ngành Thuế Thủ đô đã đưa nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế.
Nhiều ứng dụng điện tử đã và đang góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, giảm thời gian nộp thuế, cũng như chi phí tuân thủ nghĩa vụ thuế của người dân và doanh nghiệp.
Đối với việc thu thuế của những hộ kinh doanh trên mạng xã hội Facebook, ông Mạnh thông tin, ngay từ đầu năm, Cục Thuế đã phối hợp với cơ quan công an, Sở Tài chính, Sở Công Thương… rà soát được gần 17.000 tài khoản doanh nghiệp.
Cục Thuế đang có những bước đi thận trọng khi tiếp tục rà soát lại để kiểm tra trong số 17.000 doanh nghiệp trên đã quản lý được bao nhiêu. Tiếp đó phải chia tách bao nhiêu là doanh nghiệp, bao nhiêu là cá nhân đã có mã số thuế rồi.
Trên cơ sở chức năng của mình, Cục Thuế sẽ tiến hành xử lý. Về hình thức xử lý, ông Mạnh khẳng định: “Với những tài khoản kinh doanh lớn, đã rõ ràng thì tiến hành truy thu. Còn lại về cơ bản là động viên người dân đăng ký nộp thuế”.
Quyết tâm của ngành thuế là vậy, tuy nhiên các chuyên gia đều chung nhận định, sẽ cần thời gian dài để thu thuế kinh doanh qua Facebook. Đại diện Trung tâm An ninh mạng Athena cho biết, khi một số thông tin về việc thu thuế kinh doanh qua Facebook được lan rộng, người kinh doanh đã nghĩ ra nhiều cách khác nhau để “đánh lạc hướng” cơ quan thuế như: Đăng ký nhiều fanpage khác nhau, dùng nhiều tài khoản bán hàng… không biết cái nào là trang chủ. “Không mặt bằng, không đăng ký kinh doanh nên việc thu thuế sẽ là một bài toán khó”, vị này nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện nay trình độ kỹ thuật của ngành Thuế còn thấp nên khó truy tìm được các giao dịch trên mạng. Người kinh doanh giờ không công khai giá trên Facebook, tăng cường giao dịch bằng tiền mặt thay vì ngân hàng… để tránh bị giám sát. “Cần có quy định cho các cá nhân kinh doanh online phải kê khai, đến một mức nhất định thì mới phải nộp thuế. Như vậy sẽ dần kiểm soát được nguồn thu”, vị chuyên gia nhận định.
Không chỉ ở Việt Nam, việc thu thuế các cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội luôn là một bài toán khó đối với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Bởi không dễ dàng gì để theo dõi, kiểm tra hết được các hoạt động giao dịch mua bán trên Internet, đặc biệt là trên Facebook. Chính vì vậy, rất nhiều giải pháp đã được các nước áp dụng để tránh thất thu thuế từ việc kinh doanh trên mạng xã hội này.