Mặc dù diện tích mở rộng, được giá và hàng không đủ bán, nhưng người trồng hoa Tết năm nay ở ĐBSCL vẫn không lấy làm vui.
Bùng nổ
Trước đây, vườn hoa của anh Nguyễn Văn Nhiều (phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) chỉ hơn 5 công đất trồng hoa hồng, cúc, trang, vạn thọ, mai, cau kiểng,… để cung cấp cho khách hàng đặt hoa hằng ngày và bán vào dịp tết tại địa phương. Gần đây thị trường hoa mở rộng, anh Nhiều trồng thêm 3 công để xuất bán cho thị trường miền Bắc, miền Trung và xuất sang Campuchia, Indonesia. Anh Nhiều chia sẻ: “Hoa ở đây tôi bán quanh năm. Một tuần chở đi các tỉnh 2 – 3 lần. Gần Tết người ta đặt nhiều, hầu như ngày nào cũng có chuyến xe đi. Hoa vườn nhà tôi không đủ bán, tôi phải mua thêm của các vườn khác mới đủ số lượng cung ứng. Bây giờ người ta trồng hoa nhiều, cạnh tranh nhau thì có chứ dồn ứ hàng thì không xảy ra”.
Nghề trồng hoa tại làng hoa Sa Đéc có từ hàng trăm năm nay. Ông Nguyễn Văn Bình (48 tuổi, phường Tân Quy Đông) nối nghiệp cha theo nghề này. Ông Bình cho biết, trước đây người ta không trồng hoa nhiều như bây giờ. Mấy năm gần đây do mùa màng thất bát, người dân bơm cát vào ruộng trồng hoa hết. Nghề này tuy cũng cực không thua gì làm ruộng nhưng bù lại nông dân có đồng vô đồng ra hàng ngày, cuộc sống thoải mái hơn. “Diện tích trồng hoa ngày càng mở rộng một phần do thu nhập hơn làm ruộng, phần nữa do những gia đình có truyền thống trồng hoa có con cái trưởng thành lập gia đình rồi mua, thuê đất trồng riêng nên đất trồng hoa ngày càng được nhân nhiều ra”- ông Bình giải thích.
Bà Lê Thị Phượng chăm sóc quất cảnh tạo hình con gà. Ảnh: Khánh Nguyên
Ông Khoa, chủ cơ sở hoa kiểng Khoa Liễu là một trong những hộ dân có diện tích trồng hoa lớn nhất phường Tân Quy Đông với hơn 14 công đất. Mới đây ông Khoa mua thêm 3 công đất mở rộng vườn hoa của mình để cung ứng đủ hoa cho khách hàng. Ông cho biết, hàng ngày cơ sở của ông cung cấp hoa cho khách hàng với số lượng lớn, nhiều khi tại nhà không có đủ nên ông phải đi thu mua thêm của các vườn nhỏ để bù vào. Mua đi bán lại không lời nên ông phải mở rộng diện tích trồng hoa. Theo ông Khoa, những hộ mới mở ruộng trồng hoa thường không ở trục đường chính nên thương lái ít vào đến tận nơi thu mua. Vì vậy những hộ này hạ giá bán xuống thấp để thu hút người ta đến mua nên xảy ra tình trạng ép giá. Thương lái thường nại lý do vườn kia giá rẻ trong khi vườn này giá đắt để ép giá nông dân.
Khó bán
Loay hoay với những loại hoa phục vụ Tết, anh Nguyễn Thanh Sơn (37 tuổi, ngụ phường Tân Quy Đông) than thở: “Hoa năm nay loại nào cũng hút hàng, giá cao hơn mọi năm, nhưng mùa hoa này tôi không có lời nhiều thậm chí huề vốn”. Anh Sơn cho biết, do thời tiết năm nay thất thường, mưa dầm những tháng cuối năm nên nhiều loại hoa bị hư hại. Đối với cúc mâm xôi, loại hoa được ưa chuộng nhất trong mùa Tết bị ảnh hưởng nặng nề khiến nhiều nhà vườn điêu đứng. “Cúc mâm xôi Tết này hiếm nhà vườn nào có số lượng lớn nên giá đẩy lên rất cao”- anh Sơn nói, đồng thời cho biết, năm nay giá cúc mâm xôi bán tại vườn khoảng 180 ngàn/cặp, trong khi Tết năm rồi 110 – 120 ngàn/cặp. Anh Sơn dự báo: “Từ đây tới Tết, giá có thể tăng cao hơn nữa, nhưng tôi không phấn khởi, vì giá quá cao rất khó bán”.
Bà Lê Thị Phượng (xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) là một nghệ nhân có hơn 10 năm kinh nghiệm tạo hình cây kiểng phục vụ Tết. Chuẩn bị cho Tết Đinh Dậu, bà Phượng tạo hình 40 cặp tắc hình con gà, với giá từ 3 đến 6 triệu đồng/cặp tùy. Bà Phượng cho biết, giá bán kiểng tạo hình năm nay cao hơn năm trước khoảng 2 triệu đồng/cặp, nhưng chi phí đầu vào khá cao, phần do chi phí phân thuốc, khung sắt… đều tăng, phần do thời tiết bất lợi khiến tắc hư hại nhiều, phải mua lại của nhà vườn mới đủ đáp ứng lượng hàng khách đặt nên lời lãi cũng không bao nhiêu.
Ông Bùi Thanh Liêm – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) cho biết, toàn huyện hiện có 7.000 hộ trồng hoa kiểng Tết, nhưng thời tiết năm nay khắc nghiệt, bị hạn mặn rồi mưa nhiều nên chất lượng hoa không đẹp so với mọi năm và số lượng cây hư hại cũng khoảng 20%. Theo ông Liêm, nhiều nơi khác cũng bị thiệt hại nên sản lượng cung cấp cho thị trường ít, kéo theo đó là giá cả cũng tăng cao từ 10 – 15%. Cũng theo ông Liêm, hiện tại địa phương có hỗ trợ cho người dân về mặt kĩ thuật nhưng kinh nghiệm của mỗi nhà vườn vẫn là chính. Đồng thời, cũng khuyến cáo các nhà vườn nên chọn những giống cây phù hợp với thời tiết thất thường như hiện nay để cho ra những sản phẩm đạt chất lượng.
Ông Lê Ngọc Quang Hồng – Chánh văn phòng UBND thành phố Sa Đéc cho biết, khoảng 3 năm trở lại, diện tích hoa ở làng hoa Sa Đéc tăng đột biến, từ 440ha lên đến 780ha tính tới thời điểm hiện tại. Hoa ở Sa Đéc được trồng và bán quanh năm. Tại địa phương có các công ty tư nhân chuyên thu mua hoa để cung cấp cho các tỉnh lân cận, miền Trung, miền Bắc và một số tỉnh của nước bạn Campuchia. Để tránh tình trạng dồn ứ khi diện tích trồng ngày càng tăng, số hoa sản xuất ra ngày càng lớn, hợp tác xã trồng hoa của địa phương cũng tìm đầu ra cho người dân. Kim Hà |