Trong những năm qua, ngành nông nghiệp TP.HCM luôn xác định cây hoa lan (phong lan) là một trong những cây trồng chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, cho đến giờ, việc tìm ra nguồn giống hoa lan chất lượng vẫn luôn là sự “đau đầu” của các nhà vườn, nông dân...
Giống lan ngoại đè bẹp lan nội
Bà Nguyễn Thị Bảy - chủ một vườn lan tại xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi cho biết, nhà bà có vườn lan rộng gần 1ha chuyên trồng lan Mokara. Toàn bộ giống lan nhà bà đều mua về từ Thái Lan. Để mở rộng diện tích, bà cắt cành lan Thái để nhân giống chứ không dùng giống lan nội. Giải thích về điều này bà Bảy cho biết, giống nhập từ Thái dễ trồng, dễ chăm sóc, sản phẩm xuất ra thị trường được ưa chuộng.
Chăm sóc lan tại một vườn lan của người dân ở xã Trung Anh, huyện Củ Chi, TP. HCM.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Nhựt - Giám đốc HTX Hoa lan Đất Việt cho biết, trong HTX của ông có 12 xã viên với tổng diện tích trồng lan là 14ha. Loại lan HTX trồng là lan Mokara nhập giống từ Thái Lan. Theo ông Nhựt, mặc dù giá cả cao hơn trong nước nhưng giống lan nhập về từ Thái cho hoa tươi lâu, dễ chăm sóc, phát triển mạnh, lại hao hụt ít. “Cũng có xã viên trồng thử giống nội nhưng độ hao hụt cao, hoa không tươi lâu bằng nên hiệu quả vẫn không bằng giống ngoại” – ông Nhựt kết luận.
Phải đầu tư dù tốn kém
Ông Nguyễn Văn Tủi - Trưởng ban Kinh tế, Hội Nông dân TP.HCM cho biết, hiện thành phố có khoảng 255ha hoa lan. Dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ phát triển thêm khoảng 50ha nữa. Song song với việc phát triển về diện tích hoa lan, các cơ sở cấy mô để cung cấp lan giống cũng phát triển mạnh. Đến nay, thành phố đã có gần 50 cơ sở cấy mô. Theo đánh giá của ông Tủi, lan giống từ các cơ sở cấy mô gồm nhiều chủng loại, chất lượng ngày càng được nâng cao, giá cả thấp hơn các giống ngoại từ 15 – 20%.
Liên quan vấn đề này kỹ sư Mai Quốc Thái - Chủ tịch CLB Trang trại hoa lan TP.HCM đánh giá, hiện các cơ sở cấy mô lan giống của thành phố phát triển mạnh và có thể đạt mức 15 triệu cây giống/năm. Nhưng trên thực tế giống lan cấy mô trong nước khó cạnh tranh với giống lan từ nước ngoài mà vấn đề chính nằm ở việc phát triển cây giống. Ông dẫn chứng ở Thái Lan cây giống phát triển và được ưa chuộng là do giống lan được cải tạo liên tục, giống năm sau thường tốt hơn năm trước.
Theo ông Thái, để giống lan nội có thể cạnh tranh và có chỗ đứng trên thị trường thì điều cần thiết là phải đầu tư tìm cây giống, chứ không chỉ nằm ở cấy mô. Ông cho rằng, ưu tiên số một là cần đầu tư tìm ra cây giống tốt. “Dù mất 5 - 10 năm thì thành phố cũng phải đầu tư tìm giống lan chất lượng cao để cấy mô, nhân giống. Không chỉ cây lan mà nhiều cây trồng khác cũng cần phải làm như vậy. Để làm được điều này cần phải có sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ từ nhà nước”- ông Thái nói.
Ứng dụng công nghệ sinh học nhân giống lan Trong quyết định phát triển hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015, hoa lan là một trong những cây chủ lực được thành phố quan tâm phát triển. Bên cạnh phát triển diện tích, thành phố cũng khuyến khích công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong việc chọn, nhân giống cho ra các giống lan chất lượng cung ứng cho sản xuất trong và ngoài thành phố với những giống chủ lực như: Dendrobium, Mokara.