Vỏ dừa tưởng chừng như là phế thải bỏ đi, thế nhưng đã được nhiều người dân huyện Hoài Nhơn (Bình Định) tận dụng để lấy cước và mùn cám từ loại nguyên liệu này.
Đi dọc khắp miền quê ven biển Hoài Nhơn, đâu đâu cũng thấy những vườn dừa bao la, chen chân bên ruộng lúa, nằm cạnh những mái ngói rêu phong, cũ kỹ.
Nhiều năm qua, tại hộ của ông Lê Xuân Bá (SN 1957, trú thôn Tăng Long 2, xã Tam Quan Nam) luôn tất bật cảnh tách vỏ dừa lấy cước.
Ông Bá chậm rãi kể: “Cách đây chừng hơn 15 năm thì vỏ dừa là phế thải. Người dân sau khi lấy quả bên trong thì vỏ được bày la liệt, chẳng ai chú ý. Nhưng vài năm gần đây, vỏ dừa đang hút hàng vì nhiều người mua để tách lấy cước (sợi), mọi công đoạn đều bằng máy nên rất ít tốn nhân công. Cước dừa tôi xuất thô, bán ra thị trường khắp nơi trên thế giới để làm nệm… Thương lái mua tận nơi, giá cước dao động từ 3.000-7.500 đồng/kg”.
Để có hàng, ông Bá lùng sục khắp nơi mua vỏ dừa với giá 800 đồng/vỏ, rồi thuê xe ben tập kết về gia trại để nhân công và máy móc tách vỏ lấy cước.
Mỗi tháng, ông Bá bán ra thị trường khoảng 30 tấn cước, thu về ít nhất 90 triệu đồng/tháng.
Sau khi lấy cước, mùn cám dừa từ vỏ cũng được tận dụng để bón cây cảnh, trồng rau sạch…. Mùn cám dừa bán ra với giá 12.000 đồng/bao (5kg) để cải tạo đất trồng.
Những sợi cước được lấy từ vỏ dừa
Ông Nguyễn Thành Thư (trú TP Quy Nhơn) chọn xơ dừa (mùn cám dừa) để thay thế đất với phương pháp trồng rau sạch thủy canh hồi lưu.
“1 bao xơ dừa có thể trồng được hơn 100 gốc rau. Tuy nhiên, bản thân xơ dừa có tính a xít nên sau khi mua về phải chú ý, trải qua thao tác ngâm vôi (từ 5-7 ngày) để trung hòa chứ không cây sẽ không sống được”- ông Thư chia sẻ.
Vỏ dừa bỏ trên gốc cây cảnh có chức năng giữ ẩm rất tốt.
Sau khi bóc quả thì vỏ dừa được bán với giá 800 đồng/vỏ.
Cước được tách khỏi vỏ dừa từ máy
… và được phơi khô chờ ngày xuất bán
Cọng lá dừa cũng được tận dụng làm chổi quét