Hơi nước trong không khí quá cao khi gặp nhiệt độ lạnh của tường và sàn nhà sẽ ngưng tụ lại. Mọi ngóc ngách trong nhà cứ dinh dính ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống sinh hoạt.
Cứ vào độ tháng Ba, mưa phùn kéo dài suốt nhiều tuần khiến độ ẩm trong không khi tăng cao. Trước tình hình đó, nhiều ngôi nhà rơi vào tình trạng sàn nhà nhơm nhớp, cửa sổ mờ sương và tường "đổ mồ hôi". Ngoài việc bất tiện trong sinh hoạt, nhà chảy nước còn khiến lượng vi khuẩn tăng cao, bốc mùi.
Tại sao sàn nhà, tường nhà lại chảy nước?
Các căn nhà càng sát đất thì càng bị ẩm ướt, dính dấp. Dân gian gọi đây là hiện tượng "trời nồm". Để biết cách khắc phục hiện tượng này, bạn cần hiểu rõ bản chất của nó.
Hiện tượng này cũng giống như những giọt nước lấm tấm bên ngoài thành cốc đá. Đây không phải là do nước từ bên trong rỉ ra ngoài mà do nhiệt độ trên thành cốc thấp hơn nhiệt độ môi trường nên hơi nước trong không khí sẽ ngưng tụ lại thành giọt. Do vậy, khi trong không khí chứa nhiều hơi nước mà gặp nhiệt độ lạnh của sàn, tường, cửa nhà sẽ đọng lại thành sương.
Cách khắc phục nhà ẩm ướt khi trời nồm
1. Đóng kín cửa sổ
Khi lượng hơi nước càng ít thì nhà càng khô ráo. Để hạn chế tối đa lượng không khí ẩm từ bên ngoài tràn vào trong nhà, chị em nên đóng chặt cửa ra vào, cửa sổ và bịt kín các khe hở. Đặc biệt là vào ban đêm và sáng sớm không nên để mở bất kì cánh cửa nào trong nhà. Nếu đến buổi trưa mà trời hửng nắng thì nên tranh thủ mở tất cả các cửa cho thoáng khí.
2. Bật quạt
Nếu trời không quá lạnh thì gia đình có thể bật quạt số nhẹ. Gió từ quạt sẽ giúp không khí phân tán đều hơn thay vì tụ tập lại một chỗ và chạm vào khí lạnh của sàn nhà.
3. Lau nhà bằng khăn khô
Trong những ngày trời nồm, dù muốn vệ sinh nhà cửa thì cũng chỉ nên dùng khăn khô để có thể thấm hút hết nước ẩm trong nhà. Lau nhà bằng giẻ ướt lúc này không những chẳng sạch mà còn làm tình trạng ẩm ướt trở nên nghiêm trọng hơn.
4. Dùng vôi sống hút ẩm
Bạn chia nhỏ vôi sống vào các thùng/túi giấy rồi để ở khắp các góc trong nhà, đặc biệt là những nơi ẩm thấp nhiều như gầm ghế, gầm giường,... CaO trong vôi sống sẽ tác dụng và hút bớt nước (H2O) có trong không khí.
5. Sử dụng máy hút ẩm/máy điều hòa
Máy hút ẩm sẽ hút không khí trong nhà, loại bỏ độ ẩm rồi thổi ra khí khô. Tùy vào diện tích phòng, gia đình nên chọn loại máy có dung tích lớn nhỏ khác nhau. Ngoài máy hút ẩm, máy điều hòa hiện đại ngày nay cũng có chức năng hút ẩm. Tuy nhiên, bạn nhớ bật máy ở chế độ nhiệt cao hơn nhiệt độ ngoài trời để chống ướt và khử mùi.
6. Dùng quạt thông gió trong nhà tắm
Bình thường, nhà tắm và phòng vệ sinh đã có độ ẩm cao hơn các không gian chức năng khác trong nhà. Quạt thông gió trong phòng tắm sẽ giúp hút không khí ẩm ướt từ phòng vệ sinh thông ra bên ngoài.
7. Cẩn thận với các thiết bị điện tử
Với các thiết bị điện tử như máy tính, TV,...thì trong những ngày này nên để ở chế độ chờ. Nhiệt độ tản ra thấp trong thời gian ngắn 2-3 ngày không ảnh hưởng quá lớn tới tuổi thọ của máy mà còn giúp cho thiết bị không bị ẩm mốc. Mỗi ngày, bạn nên bật máy ít nhất một lần trong vòng khoảng 30 phút để làm nóng từ bên trong.
Với các thiết bị như máy ghi âm, máy ảnh,...nên có hộp chống ẩm riêng. Nếu không có điều kiện sắm tủ chống ẩm, chị em có thể sử dụng hộp nhựa đựng thực phẩm (có nắp đậy kín) và cho vào các túi hạt hút ẩm.
Hộp chống ẩm là loại hộp nhựa có nắp bán nhiều ở các siêu thị và cho thêm các túi hạt chống ẩm
Không để các thiết bị điện dưới sàn nhà hoặc sát tường để tránh trường hợp rò điện hoặc ẩm mốc. Thông thường, các nhà sản xuất đều khuyến cáo mọi người nên bài trí các thiết bị điện cao hơn mặt đất 1 mét và cách tường 10 - 15cm.
8. Hạn chế tạo thêm hơi nước trong nhà
Trong những ngày này, chị em luôn phải chú ý tránh để các chậu nước tồn đọng trong nhà. Thậm chí ngay cả khi nấu ăn cũng giảm bớt các món tạo ra nhiều hơi nước như hầm, lẩu, hấp,...Các món nướng sẽ giúp không khí khô hơn.
Nói “không” với tủ quần áo ẩm ướt ngày nồm Tuyệt chiêu khử sạch đủ loại mùi hôi trong nhà bếp |