Cây kim tiền thảo là loại thảo dược có nhiều công dụng trong y học và mang lại giá trị kinh tế cao. Cùng tìm hiểu cách trồng kim tiền thảo tại nhà để giúp bạn có được một dược liệu quý dễ dàng mà không mất tiền mua ở các tiệm thuốc đắt đỏ.
Cây kim tiền thảo có tên khoa học là Desmodium styracifolium còn được gọi là cây mắt trâu hay cây mắt rồng, thuộc loại cây thân thảo có nhiều tác dụng chữa bệnh như: giảm đau, kháng viêm, ngăn ngừa sỏi thận, làm thuốc lợi tiểu,...
Hình ảnh cây kim tiền thảo
Là loại cây mọc thấp, chỉ có chiều cao trung bình từ 30-70cm, thân mọc rạp xuống đất. Cành cây hình trụ, có lông xung quanh và có khía; lá cây có màu xanh ở mặt trên, mặt dưới xanh thẫm và có lông. Hoa mọc thành từng chùm, có màu tím bắt mắt hoặc có màu hơi đỏ tùy từng loại cây. Mùa hoa kim tiền thảo nở thường vào tháng 6 đến tháng 9 và ra quả vào tháng 10 đến tháng 12 hàng năm.
Tác dụng của kim tiền thảo đối với sức khỏe
- Chữa sỏi thận, sỏi túi mật: Theo y học cổ truyền, kim tiền thảo có khả năng lợi tiểu, ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận và bào mòn sỏi rất hiệu quả.
- Chứa nhiều hoạt chất có lợi: Cây kim tiền thảo còn chứa một số hoạt chất có lợi cho cơ thể như: Flavonoid, Desmodimin, Lysimachiae, Lupeol, Axit stearic, Lupenone, … Những hoạt chất này có khả năng chữa viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang, giúp hạ huyết áp hiệu quả.
- Trung hòa chất béo có hại: Kim tiền thảo có chứa lượng Coumarin cao có khả năng trung hòa chất béo, axit dư thừa có hại trong cơ thể. Từ đó khiến mỡ thừa được đào thải ra khỏi cơ thể dễ dàng hơn, giảm được nguy cơ béo phì cũng như các bệnh tim mạch.
- Giảm phù nề do gan, thận: Nhờ có tác dụng lợi tiểu, cây thuốc có thể giúp giảm tình trạng phù nề chân tay, chướng bụng do gan thận gặp vấn đề gây ra.
- Điều trị bệnh trĩ: Kim tiền thảo có chứa Flavonoid có khả năng kháng viêm cao có thể giúp giảm bớt tình trạng sưng đau do bệnh trĩ gây ra. Đồng thời cây thuốc còn giúp búi trĩ tiêu giảm kích thước và trở về tình trạng bình thường.
- Giảm mụn nhọt, mẩn ngứa: Khả năng kháng viêm và sát khuẩn cao trong kim tiền thảo có thể giúp giảm tình trạng nổi mụn nhọt, mẩn ngứa, làm lành vết thương nhanh chóng.
- Chủ trị các chứng bệnh nguy hại khác: Kim tiền thảo còn điều trị các chứng bệnh khác như: Mụn nhọt do ung độc, sạn ở gan mật, nóng trong người do gan, độc do bị rắn cắn,...
Cách trồng cây kim tiền thảo
Có thể sử dụng hạt giống của cây hoặc thân cành của cây còn non để trồng đều được. Tuy nhiên để dễ dàng hơn cho việc trồng và chăm sóc, bạn nên gieo hạt giống có sẵn.
- Thời gian trồng: Thời gian tốt nhất để bắt đầu mùa vụ cây kim tiền thảo thường là đầu mùa xuân. Khi đó độ ẩm trong đất còn tốt, rất phù hợp để gieo hạt trồng cây. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi thì sau khoảng 6 tháng cây sẽ phát triển và cho ra hoa sau đó không lâu.
Trồng và xử lý đất giúp kim tiền thảo sinh trưởng tốt
- Đất trồng: Cần cày xới đất lên cho tơi, đảm bảo thoát nước tốt rồi sau đó cuốc đất theo rạch với chiều rộng khoảng 7-10cm. Sử dụng phân hữu cơ để tiến hành bón lót giúp đất gia tăng giá trị dinh dưỡng, từ đó khiến cây phát triển tốt hơn.
- Cách trồng kim tiền thảo bằng hạt giống: Hạt giống kim tiền thảo cần phải được ngâm với nước ấm từ 40 đến 50 độ C trước khi gieo. Thời gian ngâm từ 4 đến 5 giờ rồi vớt ra, sau đó đem trộn cùng đất mịn khô hoặc đất cát, sau đó đem gieo thẳng xuống đường rạch đất đã được xử lý theo như mục trên. Phủ đất lên trên hạt đã gieo từ 2-3cm, rồi phủ thêm lớp rơm rạ đã được khử trùng. Hạt nảy mầm thì dỡ bỏ lớp rơm, khi cây mọc được vài lá thì tỉa bớt để giúp cây ổn định khi phát triển. Khi mọc nhiều lá hơn thì mới nhổ cỏ, xới đất rồi vun gốc cho cây.
Cách chăm sóc cây kim tiền thảo đúng kỹ thuật
Cây kim tiền thảo rất dễ chăm sóc do ít sâu bệnh tấn công. Bạn chỉ cần lưu ý phòng chống các loại côn trùng như dế, kiến,... tấn công cây non đang trong quá trình phát triển và chứng bệnh nở cổ rễ khi cây mới mọc. Khi đó cần phun thuốc trừ sâu để loại bỏ hoàn toàn các yếu tố có thể gây hại. Ngoài ra, bạn cần chú ý đến một số yếu số sau đây:
1. Tưới nước
Thực hiện tưới nước thường xuyên để giúp cây sinh trưởng tốt, nhất là vào mùa hè khi lượng nước bốc hơi nhanh khiến cây dễ bị khô héo, đất trở nên cằn cỗi và mất dưỡng chất.
2. Bón phân
Nếu đất quá xấu, hãy tiến hành bón lót thêm phân hữu cơ, phân ủ chuồng trại trước khi gieo hạt trồng cây nhằm đảm bảo chất lượng đất tốt nhất.
3. Thu hoạch
Mỗi năm người ta thường thu hoạch kim tiền thảo vào 2 vụ là hè và thu. Khi thu hoạch thì chỉ cắt ở phần thân trên và toàn bộ phần lá, cành mọc trên mặt đất. Giữ lại khoảng 5cm phần thân sát gốc để tiến hành vụ mùa tiếp theo.
Kim tiền thảo sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô
4. Bảo quản
Cành, lá và thân kim tiền thảo sau khi thu hoạch sẽ được cắt nhỏ và đem phơi khô để thuận lợi cho quá trình bảo quản và sử dụng làm dược liệu. Không nên để chúng ở nơi ẩm thấp vì dễ phát sinh nấm mốc ảnh hưởng đến chất lượng sau khi thu hoạch.