Toà nhà có mặt bằng hình chữ H với rất nhiều lớp mái ngói đỏ, không chỉ mang tính trang trí mà còn có khả năng che nắng, cách nhiệt, chống chói và chống mưa hắt.
Tòa nhà trăm mái là tên gọi khác của trụ sở Bộ Ngoại giao, tọa lạc giữa ngã tư Chu Văn An, Điện Biên Phủ đến Tôn Thất Đàm (quận Ba Đình, Hà Nội). Theo các nhà nhiên cứu, đây là tòa nhà trăm mái duy nhất ở Hà Nội cũng như ở Việt Nam.
Nơi đây từng là trụ sở của Sở Tài chính Đông Dương. Sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý sử dụng làm trụ sở Bộ Ngoại giao từ ngày 3/10/1945.
Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư Ernest Hebrard vào năm 1925 và hoàn tất xây dựng năm 1928, theo đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính, chính trị Đông Dương.
Mặc dù, về mặt tổ chức mặt bằng, không gian, chức năng hoàn toàn theo phong cách kinh điển của các toà nhà hành chính ở Pháp lúc bấy giờ, nhưng về mặt xử lý kiến trúc, tác giả đã khéo léo kết hợp các chi tiết kiến trúc Phương Đông.
Điều đặc biệt ở công trình này là việc xử lý bộ mái ngói với rất nhiều lớp mái, hình thức mái được tổ hợp một cách nhuần nhuyễn.
Đặc biệt là mái lớn ở khối trung tâm mặt đứng chính cùng với lớp mái phân tầng, che cửa sổ và mái tiền sảnh.
Hệ mái của công trình chiếm tỷ lệ khá lớn, không chỉ mang tính trang trí mà có khả năng che nắng, cách nhiệt, chống chói và chống mưa hắt.
Khả năng thông gió và lấy sáng tự nhiên của công trình rất tốt nhờ lượng mở cửa lớn trên các mặt đứng.
Các lỗ thoáng được đặt phía trên sàn và sát trần nhà đảm bảo khả năng thoát nhiệt.
Trải qua gần trăm năm lịch sử, tòa nhà được đánh giá có kiến trúc đẹp, nổi bật, tiêu biểu cho phong cách kiến trúc phương Đông, góp phần tạo nên vẻ đẹp kiến trúc đô thị và sự hấp dẫn của Hà Nội.
Ngày 26/8/2016, Trụ sở Bộ Ngoại giao được trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Trong suốt nhiều năm quản lý và sử dụng tòa nhà, Bộ Ngoại giao chỉ sửa chữa một phần nhỏ nội thất và luôn coi trọng, gìn giữ nguyên hình thức kiến trúc bên ngoài.
Với việc được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, công trình trụ sở Bộ Ngoại giao sẽ được bảo vệ bởi Luật Di sản Văn hóa và các văn bản liên quan đến bảo vệ các công trình di sản văn hóa.
>> XEM THÊM: Không gian xưa quý giá bên trong những ngôi nhà cổ đẹp nhất Việt Nam