Nhiều bạn trẻ chia sẻ cũng lâm vào tình cảnh "bi đát" khi đồ để quên trong tủ lạnh thối rữa, bốc mùi kinh hoàng.
Không chỉ có nồi cơm điện mốc xanh, đồ đạc bị chuột cắn phá, mà một trong những "ám ảnh kinh hoàng" hơn nữa của nhiều bạn trẻ khi trở lại nhà trọ sau Tết chính là... chiếc tủ lạnh: Tủ lạnh mốc đen, thối rữa, bốc mùi khủng khiếp, giòi bọ đã hóa "thành tinh".
Nồi cơm nhỏ, có thể lau rửa rồi để khô là được, nhưng còn tủ lạnh, vừa lớn vừa nhiều tầng lắm ngăn, phải dọn rửa thế nào đây?
Câu chuyện "dở khóc dở cười" về chiếc tủ lạnh sau Tết mới được một bạn có nickname A.T.H chia sẻ trên MXH khiến dân mạng vừa đọc bài xem ảnh, vừa "bịt mũi" vì không thể nghĩ rằng đồ ăn trong tủ lại có thể thối rữa đến như vậy.
Tất cả đồ ăn trong tủ lạnh đã bị mốc đen, thối rữa sau một thời gian dài bị để quên.
Giòi đã lớn đến mức "thành tinh", nhiều bạn khi chưa xem kĩ còn tưởng đây là con... bề bề.
Tớ về quê ăn tết lỡ sập áp mà ở quê ăn chơi cũng quên mất trên thành phố nhà có tủ lạnh. Sau khi dọn tủ thì tủ hỏng rồi nên tớ với bạn tớ quyết định bán đồng nát. Giòi nó thành tinh luôn" - A.T.H chia sẻ.
Cuối cùng, A.T.H và bạn cùng phòng quyết định bán đồng nát chiếc tủ vì đã hỏng.
Không riêng gì A.T.H, mà nhiều bạn trẻ cũng gặp tình cảnh tương tự. "Giống em, nhưng giòi nhà em nó chưa thành tinh như vậy, đem ra tiệm vệ sinh mấy ông thợ xỉu luôn, hết 300.000 mà thấy tội cho mấy ổng kinh" - Bạn T.T.N cho biết.
"Tớ tưởng tủ tớ là ghê nhất rồi, thằng bạn tớ nó bỏ túi trứng cá xuống ngăn rã đông lúc nào tớ không biết xong lúc về nhà ăn tết ngắt tủ lạnh. Hôm vào mở ra bốc mùi như xác phân huỷ, anh chủ trọ còn tưởng có thảm án. Nhìn cái này còn kinh dị hơn" - H.H.B cũng lâm vào tình cảnh "bi đát" không kém.
"Giống hệt cái bạn sinh viên hàng xóm cũ của tớ, nó để tủ bốc mùi đến mức cả xóm tưởng có người chết trong phòng phải gọi điện cho chủ bảo bọn nó về xem" - V.A.N kể.
Bán tủ lạnh đi thì tiếc tiền, mà dọn tủ thì phải can đảm và cẩn thận lắm mới làm được. Vậy dọn những chiếc tủ lạnh mốc meo bốc mùi như thế nào để vừa sạch sẽ vừa đảm bảo vệ sinh?
(Bạn nhớ đeo găng tay trước khi tiến hành vệ sinh tủ lạnh nhé!)
Bước 1: Trước khi bắt tay vào vệ sinh, bạn hãy ngắt nguồn điện cho tủ lạnh. Lấy tất cả các loại chai lọ, túi đồ ăn ra khỏi tủ lạnh. Kiểm tra xem đồ nào còn dùng được, đồ nào đã hết hạn hoặc có dấu hiệu hư hỏng thì hãy vứt bỏ chúng đi. Nếu còn dùng được, hãy đóng thật chặt nắp các chai lọ, vật dụng rồi lau sạch bằng khăn mềm tẩm giấm và lau lại bằng khăn ẩm sạch, để khô.
Bước 2: Đối với các loại thùng, khay tủ lạnh có thể tháo được thì bạn tháo ra rửa sạch bằng nước rửa chén ở bên ngoài rồi lau sạch, phơi ráo. Đối với những tủ bị mùi nặng, có thể tráng lại lần nữa bằng dấm để khử mùi rồi tráng lại bằng nước sạch, sau đó lau sạch, phơi khô.
Bước 3: Sử dụng nước rửa chén hoặc dùng hóa chất tẩy đồ nhựa để lau sạch tủ lạnh từ trong ra ngoài, đặc biệt chú ý tới khác khe kẽ, cánh cửa, phần cao su đóng mở. Lau lại 1 lượt bằng giấm rồi lau sạch bằng khăn ẩm và cuối cùng lau khô. Mở cửa cho tủ lạnh khô và thoáng khí.
Lưu ý không bao giờ rửa kính, kệ tủ lạnh với nước nóng bởi sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể làm hỏng những bộ phận này. Nên dùng nước lạnh hoặc để kệ “nguội” bớt trước khi lau.
Bước 4: Khi thấy tủ lạnh đã hết mùi thì đóng tủ lạnh lại, chạy không khoảng 1 tiếng đến 2 tiếng không có đồ ăn để tủ lạnh được tiệt trùng tốt hơn rồi mới đặt đồ ăn và các loại chai lọ vào.
Để kéo dài tuổi thọ của tủ lạnh cũng như bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nên vệ sinh tủ lạnh 1 lần/tháng. Kiểm tra thực phẩm hàng tuần, loại bỏ những thực phẩm không dùng đến để loại bỏ mùi hôi cho tủ lạnh, giúp tủ lạnh hoạt động hiệu quả hơn.