Cây cảnh mini đã trở thành vật trang trí không thể thiếu đối với nhiều gia đình, anh chị em công sở hay những người đam mê cây cảnh.
Cây cảnh mini có kích thước nhỏ gọn, có thể là cây trồng đất, cây thủy sinh, cây bonsai,... mang lại rất nhiều lợi ích cho người chơi như thanh lọc không khí, làm đẹp không gian, giảm stress,.. mà lại rất tiết kiệm diện tích nên được nhiều người chọn trồng trong nhà, bày bàn làm việc, kệ, giá sách, trang trí quán,...
Nếu muốn chọn một loại cây cảnh mini phù hợp cho mình, bạn hãy tham khảo 4 dạng cây nổi bật nhất dưới đây để hiểu rõ hơn về từng loại.
1. Cây thủy sinh để bàn
Nếu không có nhiều thời gian tưới tắm, bón phân cho cây thì bạn có thể lựa chọn cây cảnh dạng thủy sinh để bàn, tức là cây trồng trong cốc hoặc chậu nước nhỏ, thậm chí là bể cảnh.
Một số loại cây thủy sinh để bàn được nhiều người yêu thích hiện nay là cây lưỡi mèo (có thể trồng bằng đất), cây phát lộc, cây bạch mã, thủy trúc, tài lộc,...
Với những loài cây thủy sinh này, chỉ cần trồng trực tiếp vào nước và phơi nắng mỗi tuần 1 lần hay treo cây ở những nơi ẩm ướt như hồ cá. Cây rất dễ hấp thụ chất dinh dưỡng và nước nên không cần phải mất quá nhiều thời gian chăm sóc mà cây vẫn tươi tốt. Để chậu cây sinh động hơn, bạn có thể cho thêm đá nhỏ trang trí tạo thành một tiểu cảnh nhỏ xinh.
2. Cây cảnh mini trồng đất
Cây trồng đất có rất nhiều loại phong phú cho bạn lựa chọn, nhất là những loại cây phong thủy có ý nghĩa may mắn, thành đạt, thuận lợi,... như cây sen đá, kim tiền, cọ cảnh, bách niên, phú quý...
Trên thị trường có bán sẵn các loại đất đặc hiệu trồng cho các loại cây cảnh mini này, hoặc bạn có thể mua cây về và tự chăm sóc. Mẫu mã của vật dụng để trồng cây mini tương đối đa dạng như bình sứ trang trí ngộ nghĩnh đáng yêu, bình thủy tinh, bình nhựa, gốm sứ, thậm chí những bình tự trang trí…
3. Chậu cây cảnh tổ hợp
Chậu cây cảnh tổ hợp là chậu cây trồng phối hợp nhiều loại hoa cây cảnh trong một chậu, vừa tiết kiệm diện tích (thay vì kiểu trồng bao nhiêu cây thì bấy nhiêu chậu) mà lại có ngay một vườn hoa, cây cảnh rực rỡ, nghệ thuật và độc đáo, tạo vẻ đẹp mới mẻ, bắt mắt và cực kỳ thu hút.
Tuy nhiên, do chậu hoa tổ hợp có nhiều loại cây cùng sống nên bạn cần chú ý đến chế độc chăm sóc, nước và độ ẩm thường xuyên của các loại cây, tránh để xảy ra trường hợp cây này tươi tốt mà cây kia lại khô héo.
4. Cây cảnh mini từ hạt giống
Hạt giống rau, cây quả hay bất cứ loại hạt nào cũng có thể tạo thành một chậu cây cảnh độc đáo riêng mà ít "đụng hàng". Bạn có thể tự tay gieo hạt, chăm sóc và tận hưởng niềm háo hức đợi chờ khi những mầm xanh nhú lên.
Những loại hạt dễ trồng, dễ kiếm mà lại có mầm hay cây con nhỏ xinh là chanh, bưởi, hạt thanh long, mạ, cỏ ba lá,... cách trồng rất đơn giản nên bạn có thể chuẩn bị sẵn chậu đất, hạt và bắt tay vào tự trồng ngay.
Mời bạn tham khảo cách trồng hạt chanh làm cây cảnh mini để bàn vô cùng xinh xắn, đáng yêu tại đây.
5. Cách chăm sóc cây cảnh mini
Đối với mỗi loại cây mini khác nhau lại có những cách chăm sóc khác nhau. Tuy nhiên, bạn cần đặc biệt chú ý những vấn đề sau:
- Cung cấp đủ ánh sáng: Các loại cây trồng thiếu ánh sáng sẽ bị chết nên dù có để trong nhà, phòng làm việc… thỉnh thoảng bạn vẫn phải mang chúng ra ngoài nơi có nhiều ánh sáng hắt vào như cửa kính, cửa sổ thì cây mới phát triển bình thường được. (Đối với cây nội thất, cây ưa bóng thì tuần 1-2 lần. Đối với cây chơi hoa thì sau đợt ra hoa cần cho hẳn ra ngoài tới khi có hoa trở lại nếu muốn có hoa tiếp).
- Nên kiểm tra độ ẩm của đất trước khi tưới nước cho cây, đối với cây ưa bóng không nên tưới quá nhiều dễ gây úng rễ, hư hỏng rễ.
- Thường xuyên lau lá cây, cắt tỉa lá vàng sẽ làm cho chậu cây thêm đáng yêu, gọn gàng hơn rất nhiều.
- Bón phân cho cây cảnh mini: Nên dùi một lỗ nhỏ rồi bỏ viên phân vào rồi lấp đất lên vì như vậy, viên phân sẽ không bị trôi đi. Chú ý bón theo định kỳ, ưu tiên lân nhiều hơn để cây khỏe mạnh. Đối với những chậu cây hoa, có thể bổ sung các loại phân hữu cơ như phân cá, phân gà, phân bò, phân vi sinh,..