Chanh có vô vàn công dụng từ nấu nướng cho tới làm đẹp, nhưng không phải ai cũng biết cách trồng chanh trong chậu sao cho cây phát triển tốt và được nhiều trái nhất.
Chanh là loại quả được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày bởi vô vàn những công dụng nó. Không chỉ là loại quả hữu ích trong nhà bếp, pha nước uống giải khát giúp giải nhiệt, chanh còn giúp các chị em phụ nữ làm đẹp như giúp mượt tóc, sạch gàu, trị da nhờn, tẩy da chết,...
Không chỉ vậy, mọi đồ đạc trong gia đình cũng có thể trở nên sạch bong, sáng bóng nhờ những quả chanh “nhỏ nhưng có võ”. Có muôn vàn công dụng như vậy, nên chẳng có gì lạ khi chanh lại được nhiều người yêu thích trồng trong nhà. Để giải quyết tình trạng thiếu sân vườn rộng rãi ở thành phố thì việc trồng cây trong chậu là lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách trồng chanh trong chậu và chăm sóc sao cho chanh được sai trĩu quả.
Thời vụ trồng cây
Chanh có thể trồng quanh năm suốt tháng nhưng thời điểm thích hợp nhất để trồng là vào tháng 2,3 hoặc tháng 7, 8,10. Đây là những lúc mà chanh dễ sai quả và phát triển tốt nhất.
Chọn chậu trồng
Nhiều người mới trồng chanh sẽ nghĩ dùng hạt chanh để trồng, điều này không sai nhưng bạn có thể mất hàng năm trời để đợi thu được thành quả. Do đó, trừ khi muốn trồng làm cảnh, nếu không hãy mua cây bán sẵn ở các chợ hoặc những nơi bán cây.
Khi chọn mua chậu để trồng chanh nên nhớ chọn chậu lớn hơn khoảng 25% so với chùm rễ của cây. Loại chậu lý tưởng nhất là chậu đất nung bởi chúng có độ xốp và khả năng thoát hơi nước cao hơn chậu nhựa. Đây là yếu tố quan trọng giúp cây phát triển tốt bởi chanh là loại cây không ưa giữ nước.
Nên thay chậu khoảng 2 năm một lần, phù hợp với kích thước của cây. Thông thường mỗi lần thay chậu nên lựa chọn những chậu lớn hơn chậu cũ và nên tiến hành thay chậu vào mùa đông.
Chọn đất trồng
Chất lượng và loại đất cũng là một trong những yếu tố cần quan tâm hàng đầu khi trồng chanh. Chanh có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng tốt nhất là đất thịt tơi xốp và nhiều mùn. Loại đất có độ pH khoảng 5.5 đến 7 là phù hợp nhất.
Bón phân
Nhớ bón phân cho cây khoảng 1 tháng một lần vào mùa phát triển, khoảng tháng 2, 3 và tháng 8,10.
Một cây chanh trồng trong chậu cần một lượng phân bón 18-18-18 cân bằng. Khi chanh bắt đầu ra hoa thì bón thêm phân kali đỏ dạng bột cho chanh nhanh đậu quả.
Tưới nước
Với những người lần đầu tiên trồng chanh thì vấn đề tưới nước cho cây thật sự rất khó khăn. Bởi chanh là loại cây đòi hỏi phải có lượng nước phù hợp, nhiều hay ít nước đều khiến quả bị rụng, thậm chí có thể làm chết cây. Nếu đất trồng quá khô, muối có thể xuất hiện và gây hại cho rễ cây. Vì vậy, cần phải giữ cho đất trồng luôn đảm bảo độ ẩm hợp lý.
Muốn kiểm tra xem đất đã đủ độ ẩm hay chưa, bạn ấn ngón tay sâu vào đất khoảng 2 - 3 cm, nếu cảm thấy khô thì phải tưới nước ngay cho cây. Trong những ngày trời nắng nóng và gió, nên tưới nước cho cây thường xuyên hơn. Và tránh để chậu ở nơi có quá nhiều gió.
Ánh nắng
Mặc dù là loại cây được trồng chủ yếu ở ngoài trời nhưng chanh lại chịu lạnh khá kém và cũng không chịu được những nơi quá nhiều gió. Vì thế chỉ nên để chanh ngoài trời khoảng 7-8 tiếng và cao điểm nhất là 12 tiếng vào những hôm trời đẹp.
Vị trí đặt chậu chanh tốt nhất là có hai mặt tiếp xúc với ánh sáng mặt trời ở phía Đông và Nam, hoặc phía Tây và Nam. Đặt chậu cây ở vị trí nhiều ánh nắng nhất có thể.
Tỉa cành, tỉa rễ
Tỉa cành giúp cây phát triển xum xuê và dễ sai được nhiều quả hơn. Tuy nhiên việc này chỉ nên thực hiện khi một mùa phát triển mới bắt đầu. Đặc biệt lưu ý, chỉ tỉa cành bị sâu bệnh, đã chết vì nếu tỉa cành quá nhiều có thể khiến cây ra quả còi.
Bên cạnh đó bạn cũng nên để ý một vài cành lạ, chúng thường mọc trực tiếp từ thân chính, và hút mất chất dinh dưỡng của cây nên phải cắt bỏ ngay.
Nhân tiện lúc thay chậu thì bạn cũng nên tỉa luôn rễ cho cây chanh, dân ta thường có câu “mít tỉa cành, chanh tỉa rễ”, nên khi bạn tỉa rễ cho chanh, chanh sẽ nhanh chóng ra hoa kết trái.
Với những gợi ý về cách trồng chanh trong chậu này, bạn sẽ có cây chanh sai trĩu, hái quả mỏi tay. Chúc các bạn thành công.