Tuy trên cùng một cây nhưng quả của loài ớt này lại có tới 7 màu khác nhau như màu sắc của cầu vồng. Những người mới nhìn thấy lần đầu cứ nghĩ đây là quả nhựa nhưng khi được tận tay sờ, nắn, cắn thử thì đều lè lưỡi xuýt xoa vì ớt khá cay.
Người ta gọi giống ớt này là ớt 7 sắc cầu vồng hay ớt nhiều màu, ớt cảnh, bonsai bởi giống ớt này khi ra quả, các quả có nhiều màu khác nhau. Hầu hết các cây đều ra quả có 7 màu như 7 sắc cầu vồng, song nếu phân ra các tông màu đậm nhạt thì trên một cây ớt có tới cả chục màu khác nhau.
Ớt 7 sắc cầu vồng có hình dáng khá giống với ớt chỉ thiên khi quả chỉ thẳng lên trời, tuy nhiên màu sắc của ớt 7 sắc cầu vồng sặc sỡ, nhiều màu hơn.
Ớt 7 sắc cầu vồng có tên khoa học là Capsicum ammuum Linn.var conoides Irish, có nguồn gốc ở Mexico, hiện nay nó được trồng nhiều ở Mỹ. Loài ớt này có đặc điểm ưa sáng, ấm, ẩm, không chịu được rét và khô. Ớt 7 sắc cầu vồng du nhập vào nước ta được khoảng 5 năm nay.
Ớt 7 sắc cầu vồng cho quả khá sai, điều đặc biệt là ở cùng trên một cây, thậm chí là một cành nhưng mỗi quả ớt lại có màu sắc khác nhau.
Ngoài ra, ớt 7 sắc cầu vồng có nhiều giống to, nhỏ khác nhau song đều có chung một đặc điểm là rất sai quả và quả có nhiều màu sắc.
Đây là giống ớt có tuổi thọ lên đến cả chục năm, tuy nhiên để cây khỏe, cho nhiều quả thì nên trồng mỗi năm một lần. Được biết, lúc đầu giống ớt này được một số người thích chơi cây kiểng nhập về trồng chơi nhưng do sở hữu màu sắc đẹp, lạ mắt, quả sai và khá cay, ăn cay thơm nên nhiều người mua về vừa trồng chơi cảnh vừa để ăn.
Theo các nhà nghiên cứu, ở mỗi vùng khí hậu khác nhau, ớt 7 sắc cầu vồng sẽ cho màu sắc đậm nhạt khác nhau. Vì vậy, ớt được trồng ở các vùng nhiệt đới thường cho nhiều màu sắc hơn.
Ớt thường có chiều cao khoảng 50 – 60cm, nhiều nhánh, thân thẳng, lá mọc lệch. Hoa nở từ tháng 5 đến tháng 7. Quả mọc chùm trên đỉnh cành. Cùng một cây nhưng quả có nhiều màu sắc khác nhau: xanh, đỏ, vàng, tím, trắng. Tùy thuộc vào vùng khí hậu được trồng mà tỷ lệ các màu sẽ khác nhau. Ở khu vực ôn đới tỷ lệ phân phối các màu sẽ tương đối đều. Càng về khu vực nhiệt đới thì tỷ lệ màu tím hoặc đỏ sẽ chiếm ưu thế hơn. Ớt 7 sắc cầu vồng vừa có thể làm cây kiểng, cây cảnh trang trí trong nhà, ban công, ngoài vườn, vừa có thể thu hoạch quả ăn.
Do đa dạng màu sắc nên ớt 7 sắc cầu vồng thường được trồng làm cảnh, bonsai để trong nhà, thư viện hoặc các ban công trông rất đẹp mắt.
Cách trồng cây ớt 7 sắc cầu vồng rất đơn giản. Nhân giống ớt bằng cách gieo hạt vào mùa xuân là tốt nhất; khi cây cao 5-6cm cấy cây vào bầu, cao 10cm thì đem trồng cố định vào chậu. Khi trồng chậu, nên chọn đất thịt, tơi xốp, bón phân hoai mục, phân bón lót và tưới nước sau khi trồng. Cây cao 20cm thì hái ngọn để giúp cây đẻ nhiều nhánh, tạo tán và cho nhiều quả hơn. Mỗi ngày tưới nước một lần, không để đọng nước, không nên bón quá nhiều phân tránh cành nhánh quá dài.
Ớt 7 sắc cầu vồng không chỉ được dùng làm cảnh mà quả của nó còn có thể ăn. Qủa có mùi thơm, nhiều người thường ngâm ớt tươi hoặc phơi khô rồi xay thành bột.
Hiện trên thị trường hạt giống ớt 7 sắc cầu vồng đang bán với giá từ 30.000 – 40.000/1 bao (khoảng 40 hạt). Nhiều người từng trồng ớt 7 sắc cầu vồng cho biết, tỷ lệ nảy mầm của hạt rất cao, khoảng 90 – 95%.
Ớt 7 sắc cầu vồng trồng khá đơn giản, tuy nhiên để ớt khỏe, cho quả nhiều, cây, thơm ngon, thì nên chọn loại đất thịt, trộn với đất phù sa, đất mùn, trộn thêm phân hoai mục và 1 chút kali, đạm...
Khi ớt lên được khoảng 4 - 6cm thì bứng ra trồng vào trong chậu, tùy theo kích thước chậu mà có thể trồng 1, 2 hoặc 3 cây trong một chậu.
Nên tưới nước cho ớt 7 sắc cầu vòng 2 lần/ngày. Ớt ưa nắng, nên trồng ở những chỗ có ánh sáng là tốt nhất.
Chị Nguyễn Thị Mai (Ba Đình, Hà Nội) người đang trồng giống ớt 7 sắc cầu vồng cho biết: “Tôi tình cờ biết được giống ớt 7 sắc cầu vồng này qua một người bạn, thấy cây ớt đẹp, quả sai, nhiều màu sắc sặc sỡ, tôi đã xin giống rồi nhân ra. Hiện tôi có hơn 10 chậu ớt 7 sắc cầu vồng. Hơn năm nay kể từ khi tôi trồng giống ớt này, gia đình tôi không còn phải mua ớt, không chỉ vậy tôi còn ngâm để biếu bạn bè, ai ăn cũng khen ngon".