Bên trong có 3 khu vực bàn thờ chính. Chính giữa là bàn thờ các vị tổ ngành, bên trái là để tri ân khán giả, bên phải để thờ cúng các nghệ sĩ quá cố và góc cùng để di ảnh của cố nghệ sĩ Kim Ngọc.
Năm nay vào dịp giỗ Tổ nghề sân khấu 12-8 Âm lịch, danh hài Hoài Linh sẽ không mở cửa nhà thờ Tổ nghề sân khấu ở Q.9, TP.HCM để đón các nghệ sĩ và khách thập phương về dâng hương. Đó là thông báo vừa được Hoài Linh thay mặt Ban tổ chức lễ hội “Giỗ Tổ sân khấu và ngày Sân khấu Việt Nam” chính thức đưa ra.
Cụ thể, nam danh hài cho biết, dù hiện tại tình hình dịch Covid-19 đã tạm thời được kiểm soát song với tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và nhằm đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho cá nhân cũng như cộng đồng, anh quyết định không mở cửa đón khách đến nhà thờ Tổ nghề sân khấu trong dịp 12-8 Âm lịch này.
Trước đó, hàng năm vào dịp Giỗ Tổ nghề sân khấu, cũng là ngày Sân khấu Việt Nam, ngày 12-8 Âm lịch, đền thờ Tâm linh Việt nằm trong nhà thờ Tổ nghề sân khấu do Hoài Linh xây dựng là một trong những địa điểm tề tựu rất đông nghệ sĩ ở khắp nơi về dâng hương, bày tỏ tình cảm “uống nước nhớ nguồn” với Tổ nghề.
Hàng năm nhà thờ tổ mở cửa để đón khách.
Nhà thờ Tổ do Hoài Linh xây dựng từ tháng 9-2014 ở Q.9, TP.HCM. Trải qua 2 năm xây dựng, công trình này được hoàn thiện và khánh thành vào tháng 9-2016. Đúng vào dịp Giỗ tổ nghề sân khấu năm đó, anh mới mở cửa để đồng nghiệp và người dân đến tham quan.
Đây là công trình mà Hoài Linh ấp ủ suốt nhiều năm và cố công “chạy sô”, làm đủ mọi việc dành dụm tiền để có tiền xây cất với mong muốn bày tỏ lòng tôn kính của mình đối với Tổ nghiệp và các bậc tiền nhân trong ngành sân khấu.
Đền thờ tổ nghiệp gồm nhà thờ chính, nhà thờ phụ, nhà nghỉ ngơi cho người đến thăm viếng và nhiều tiểu cảnh khác. Theo chia sẻ của Hoài Linh thì anh mong đây sẽ là nơi lui tới thờ cúng Tổ nghề của các nghệ sĩ, cũng là không gian giao lưu, sinh hoạt chung và cũng để góp phần phát triển kinh tế, du lịch của Q.9.
Hoài Linh xây nhà tổ nghề sân khấu hoành tráng trên khu đất rộng 7.000 m2 tại phường Long Phước, quận 9, TP.HCM.
Mọi hạng mục bên trong đều do 1 tay Hoài Linh thực hiện.
Công trình được xây dựng trên một mảnh đất trống khá rộng lớn lên đến 7.000 m2 với tổng diện tích các công trình được cấp phép xây dựng gần 500 m2 gồm nhà thờ lớn rộng 197,2 m2; nhà sàn cao 2 tầng dành để tiếp khách có tổng diện tích hơn 290 m2. Tất cả đều được xây dựng bê tông cốt thép, gỗ, sàn gỗ, mái ngói và tường gạch.
Dù không tiết lộ số tiền các công trình cũng như những món đồ trong nhà thờ Tổ, nhưng những người đến đây khi nhìn vào sự cầu kỳ của từng chi tiết có thể hiểu vì sao nhà thờ Tổ của Hoài Linh trị giá 100 tỷ đồng.
Công trình có trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Bên trong được chia làm nhiều khu khác nhau.
Trong đó có 3 khu vực bàn thờ chính. Chính giữa là bàn thờ các vị tổ ngành, bên trái là để tri ân khán giả, bên phải để thờ cúng các nghệ sĩ quá cố và góc cùng để di ảnh của cố nghệ sĩ Kim Ngọc.
Những loại cây gỗ quý hiếm được trồng trước sân. Trước chánh điện là một cây bồ đề cao lớn, bên cạnh đó là những loại cây lạ. Những loại cây này đều có giá lên đến vài chục triệu đến trăm triệu.
Gần 1 năm nay Hoài Linh rất ít khi xuất hiện trên sóng truyền hình thay vào đó nam nghệ sĩ "ở ẩn" trong nhà thờ tổ, trồng cây và cải tạo lại khuôn viên.