Nếu bạn có thời gian có thể tự tay chuẩn bị một mâm cỗ cúng ông Công ông Táo đầy đủ và tươm tất như dưới đây nhé.
Lễ cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp là một phong tục không thể thiếu trong văn hóa Tết của người Việt. Đây là dịp để các gia đình tiễn đưa ba vị Táo quân về trời, báo cáo với Ngọc Hoàng về mọi việc trong gia đình, từ công việc đến chuyện bếp núc. Theo truyền thuyết, ông Công, ông Táo là những vị thần bếp, bảo vệ, giúp cho gia đình được ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy, mâm cỗ cúng Táo quân không chỉ là một nghi thức trang trọng mà còn là dịp để gia đình thể hiện lòng thành kính, cầu mong cho một năm mới bình an, tài lộc.
Vậy làm sao để chuẩn bị một mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo vừa đẹp mắt, đầy đủ lại mang đậm nét truyền thống? Cùng tham khảo mâm cỗ cúng ông Công ông Táo của chị Thu Hương để có thêm ý tưởng cho mâm cỗ của gia đình bạn vừa ngon miệng, vừa thể hiện được ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong ngày Tết này nhé!
Chị Thu Hương.
Mâm lễ cúng ông Công ông Táo lên chầu trời gồm có:
Mâm cỗ mặn:
- Gà luộc lá chanh.
- Tôm hấp nước dừa.
- Chả hoa ngũ sắc.
- Nem hải sản.
- Giò lụa ước lễ.
- Chả cốm non.
- Hạnh nhân xào thập cẩm.
- Thịt đông.
- Nộm đu đủ bò khô.
- Canh măng khô nấu sườn móng.
- Canh bóng thả.
- Bánh chưng xanh - dưa hành.
- Xôi gấc long ngư vượt vũ môn.
Mâm bánh trái chè ngọt:
- Bánh bao lý ngư quần hội.
- Thạch tam lý ngư sum vầy.
- Chè kho, cốm xào, kẹo lạc và trà mạn thái nguyên.
Mâm ngũ quả ngũ lộc và cau lại buồng
- Nậm rượu nếp cái hoa vàng.
- Hũ gạo, hũ muối.
- 3 cá chép bơi.
- 3 bộ mũ áo táo quân.
Dưới dây là cách làm một số món ưn trong mâm cỗ cúng ông Công ông Táo:
1. THỊT ĐÔNG
Nguyên liệu:
- 1kg thịt chân giò.
- 2-3 miếng bì heo.
- Mộc nhĩ, nấm hương, cà rốt, hành khô.
- 5-6 thìa nước mắm cốt, 1-2 thìa cafe tiêu xay.
Cách làm thịt đông ngon:
Bước 1: Sơ chế
- Rửa sạch thịt chân giò và bì heo. Cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
- Chần sơ qua với nước sôi có thêm gừng, sả để bớt mùi hôi thịt.
Bước 2: Ướp thịt
- Ướp thịt với nước mắm cốt và tiêu xay đã chuẩn bị khoảng 30 phút.
Bước 3: Nấu thịt đông bằng nồi áp suất
- Phi thơm hành khô.
- Cho thịt vào xào săn.
- Thêm nước ướp thịt, nước lọc sao cho ngập thịt. Đun sôi, hớt bọt để nước thịt trong hơn.
- Đậy nắp, khoá van nồi áp suất rồi nấu thịt 30-45 phút tuỳ độ mềm nhừ mong muốn.
- Nồi nấu xong, mở nắp, cho mộc nhĩ nấm hương đã cắt nhỏ vào nấu thêm 5 phút.
Bước 4: Hoàn thiện món thịt đông
- Cắt cà rốt thành từng bông hoa, đặt dưới đáy bát, múc thịt lên trên.
- Để nguội, cất ngăn mát 2-3 tiếng để thịt đông lại.
Thịt đông ăn kèm cơm nóng, bánh chưng hay xôi đều rất ngon; thêm vài củ hành muối hay đĩa dưa món, dưa kiệu... thì không còn gì hấp dẫn bằng.
Thịt đông thơm thanh mát, tươi ngon, thịt mềm, mộc nhĩ giòn sần sật, quyện lẫn mùi thơm của hạt tiêu, nấm hương... khiến ai thấy cũng muốn thử ăn ngay.
2. CHẢ CỐM NON
Chả cốm mua về đem chiên chín vàng là xong.
3. CHẢ HOA NGŨ SẮC
Nguyên liệu:
- 200g mọc/giò sống.
- 100g tai heo.
- 40g bì heo.
- 4 quả trứng muối.
- 4 quả trứng gà
- 1/2 củ cà rốt
- Một ít mộc nhĩ (nấm mèo), nấm đông cô (nấm hương khô).
- 20ml nước mắm - 2g muối - 63g đường - 25g bột nêm - 2g tiêu.
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế
Tai heo, bì heo đem vệ sinh, làm sạch và luộc sơ khoảng 15 phút. Sau đó đem tai heo và bì heo cắt sợi nhỏ.
Gọt vỏ cà rốt, thái sợi. Ngâm mềm mộc nhĩ, nấm hương sau đó rửa sạch và thái nhuyễn.
Tách lấy lòng đỏ trứng muối.
Bước 2: Ướp
Trộn tai heo, da heo, cà rốt, nấm và giò sống với nhau, ướp cùng 20ml nước mắm, 60g đường, 20g bột nêm, 5g tiêu.
Bước 3: Chiên trứng
Đập trứng gà vào tô, nêm 2g muối, 5g bột nêm, 3g đường, 2g tiêu và đánh đều. Sau đó mang trứng đi rán vàng thành 2 tấm trứng mỏng. Lưu ý, khi rán, nên để lửa nhỏ vừa nếu không sẽ làm miếng trứng bị phồng.
Bước 4: Cuộn giò và hấp
Lót một lớp màng màng thực phẩm bên dưới, xếp 2 tấm trứng lên. Quết một lớp hỗn hợp giò mỏng lên trứng. Đặt lòng đỏ trứng muối lên nhân.
Cuộn tròn, gói chặt giò lại, đem hấp khoảng 50 phút, sau đó giữ mát thêm 1 tiếng nữa trước khi dùng.
Khi ăn, cắt giò hoa ngũ sắc thành từng khoanh, xếp ra đĩa. Có thể ăn kèm với cà chua và rau sống.
Lưu ý: Cần gói giò ngũ sắc chặt tay để giò được chắc thịt.
Giò hoa ngũ sắc thơm nức, lại có chút giòn giòn, đẹp mắt, bày lên mâm cơm hay mâm cỗ đều đẹp.
4. NEM HẢI SẢN
Nguyên liệu:
- Thịt nạc vai: 500gram.
- Tôm nõn tươi đã bóc vỏ: 400gram.
- Bề bề đã bóc vỏ: 400gram.
- Mọc nhĩ, nấm hương: 100gram 2 loại.
- Hành tây, cà rốt: mỗi loại 1 củ.
- Miến: 50gram.
- Trứng gà: 3 quả.
- Hành lá, rau mùi.
- Hạt tiêu: 1 thìa cà phê.
- Nước mắm: 1 thìa ăn cơm.
- Bánh đa nem (bánh tráng): 25 lá.
Sơ chế nguyên liệu:
Bước 1: Sơ chế tôm, bề bề
Rửa sạch tôm nõn, bề bề để ráo đun một nồi nước sôi thả tôm nõn bề bề vào chần sơ qua nước sôi rồi vớt ra để ráo. Phi hành mỡ thơm rồi cho phần tôm bề bề vào đảo đến khi chín.
Bước 2: Trộn nhân
Thịt nạc vai đã xay trộn cùng 3 quả trứng gà cho đều rồi để riêng ra một bát.
Phần mọc nhĩ, nấm hương, miến ngâm mềm rửa sạch thái hoặc xay nhỏ. Rau mùi, hành lá, cà rốt, hành tây rửa sạch thái nhỏ. Trộn đều phần nguyên liệu trên, rồi đổ bát hỗn hợp thịt trứng đã chuẩn bị sẵn vào, tiếp tục lần lượt cho hạt tiêu nước mắm vào và trộn đều.
Lưu ý: Có thể đem cất nhân trong tủ lạnh khoảng 30 phút trước khi gói nem khi đó nguyên liệu được kết dính vào nhau gói sẽ dễ dàng hơn.
Bước 3: Gói nem
Phần vỏ bánh đa nem muốn giòn bạn hãy phết một lớp bia ở ngoài, để làm cho vỏ bánh mềm dẻo dễ gói hơn nữa.
Lần lượt cho phần nhân nem vào bánh đa, sau đó xếp tôm và bề bề để ở trên nhân. Gói thành hình vuông hay dài tuỳ ý. Mỗi chiếc nem gói bằng 2 lá bánh đa cho vỏ càng giòn.
Bước 4: Rán nem
Sau khi gói xong thì bắt tay vào rán nem. Đun nóng nhiều dầu ăn trong chảo, cho từng cái nem vào rán, khi nào mặt dưới vàng giòn thì lật nem. Rán cho đến khi mặt còn lại cũng chín, vàng giòn là xong.