Thoạt nghe, chúng tôi cứ ngỡ, cái tên gọi Vườn lan Huyền Thoại như một hình ảnh so sánh với các câu chuyện trong truyện cổ tích. Chỉ khi đến nơi, chúng tôi mới được biết, đó là tên mà chị Lê Thị Thanh Huyền đặt cho vườn lan của mình.
Quả đúng như tên gọi đó, vườn lan Huyền Thoại của chị Huyền ở ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh đúng là… huyền thoại thật, bởi có mấy ai lại nghĩ, một từ một người chuyên buôn bán vật liệu xây dựng, chỉ trong vòng nửa năm chị Huyền đã biến 4 mẫu đất trồng cao su thành một trang trại lan ngút ngàn khoe sắc.
Chị Thanh Huyền - chủ nhân trang trại lan Huyền Thoại.
Mở đầu câu chuyện, chị Huyền cho biết, năm 2008, vì yêu lan chị bắt đầu tìm hiểu về cách trồng lan. Nghe ở đâu có vườn lan đẹp là chị tìm đến học hỏi kinh nghiệm và phương pháp chọn giống. “Lúc đầu trồng lan Mokara - một loài hoa phải nhập giống, vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên lan chết la liệt”, chị Thanh Huyền nói. Cuối cùng sự nỗ lực của chị Thanh Huyền cũng được đền đáp. Những luống lan Mokara bắt đầu ngừng chết và phát triển xanh tươi. Nhìn những cành lan Mokara vàng nến, vàng chanh lác đác trổ hoa rung rinh trong gió chị Thanh Huyền ngẹn ngào sung sướng.
Tuy nhiên, cuộc chơi lớn với lan của chị Thanh Huyền phải bắt đầu vào năm 2012. Từ chỗ trồng lan để chơi chị lao vào cuộc chơi kiếm tiền từ lan. Với vốn liếng kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan Mokara đã có chị quyết định “chuyển đổi cơ cấu cây trồng” từ miếng đất rộng 4ha đang trồng cao su. Từ mảnh đất này chị cho lên gần 300 luống đất; làm hệ thống tự động tưới tiêu nước, thuốc và phân; xây dựng nhà lưới để giữ ẩm và nhiệt độ cho lan… 100.000 gốc lan Mokara: vàng chanh, vàng chao, vàng nến… được hạ thổ. Nghe đâu, chị phải mất gần 10 tỷ đồng để hình thành vườn lan Huyền Thoại. Theo tính toán của chị Thanh Huyển, doanh thu từ trang trại lan này vào khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Chị Thanh Huyền (bên trái) cùng nhan viên đang thu hoạch lan cắt cành.
Giờ đây, trang trại lan Huyền Thoại đã trở thành mô hình điểm của nền nông nghiệp đô thị TP.HCM. Rất nhiều đoàn trong và ngoài thành phố đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệp từ trang trại này. “Chúa lan” rất hãnh diện về “đứa con tinh thần” của mình. Tuy nhiên, trên hết ở trang trại lan Huyền Thoại là một “trại thực nghiệm” cho bà con nông dân muốn học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan. Theo chị Thanh Huyền, thời gian qua trang trại lan đã tạo mọi điều kiện để giúp nông dân trên địa bàn xã Thái Mỹ, Tân Phú Trung, An Nhơn Tây... về kỹ thuật trồng và chăm sóc lan. “Tôi cố gắng hết sức để giúp đỡ bà con nông dân có nhu cầu sản xuất hoa lan cắt cành về kiến thức, kinh nghiệm mà bản thân tôi tích lũy được”, chị Thanh Huyền tâm sự.
Với “Chúa lan” việc xây dựng trang trại lan Huyền Thoại không chỉ dừng lại ở cắt cành, bán giống. Chị Thanh Huyền đang hướng đến một mô hình làm nông mới: hợp tác với những vườn lan có quy mô nhỏ để tạo thành vùng chuyên canh sản xuất, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm lan với quy mô lớn. Theo chị Thanh Huyền, hiện bà con sản xuất lan ở thành phố vẫn còn khá manh múm, nhỏ lẻ. Thị trường lan cắt cành và giống lan trong nước đang còn rất rộng mở.
Trên hết là kết hợp với chuyên gia Đài Loan để xây dựng trung tâm cấy mô lan. Chị Thanh Huyền cho biết, trung tâm này sẽ được khánh thành vào năm 2016 nhằm cung cấp giống lan cho thị trường Việt Nam. Hiện hầu hết giống lan mokara đang trồng ở Việt Nam là nhập từ Thái Lan.
Bên cạnh đó, chị Thanh Huyền cũng cho biết đang xây dựng mô hình: nhà vườn kết hợp du lịch. “Chúng tôi đang hướng đến mô hình vườn lan kết hợp du lịch vừa giúp người tham quan có một điểm dừng chân thú vị vừa quảng bá sản phẩm nhà vườn cũng như quảng bá hình ảnh nông nghiệp đô thị TP.HCM”, chị Thanh Huyền cho biết. |