Người thì cho rằng con sư tử gỗ khổng lồ được ghép từ nhiều thân gỗ lớn, người thì cho rằng đây chỉ là sản phẩm của photoshop, vậy đâu là sự thật?
Mới đây trên facebook xuất hiện hình ảnh một bức tượng sư tử bằng gỗ khổng lồ, chiều dài đến hơn chục mét, với dáng đứng oai phong lẫm liệt cùng bình luận của người đăng: "Bao nhiêu tiền mới mua được con sư tử này trấn trước cửa nhà?"
Thế nhưng điều khiến bức tượng sư tử khổng lồ này nhanh chóng "nổi như cồn" với hàng chục nghìn lượt thích và bình luận khác nhau từ cư dân mạng chính là nguồn gốc phần gỗ làm ra nó.
Bức tượng sư tử khổng lồ nhanh chóng "nổi như cồn" với hàng chục nghìn lượt thích và bình luận khác nhau từ cư dân mạng.
Cận cảnh bức tượng sư tử gỗ khổng lồ.
Nhiều ý kiến bình luận rằng con sư tử này được điêu khắc chỉ từ một thân cây duy nhất có tuổi đời đến hàng trăm, nghìn năm, nhưng cũng nhiều ý kiến "phản pháo" rằng đây chỉ là sản phẩm ghép từ nhiều phần thân gỗ lớn khác nhau. Thậm chí nhiều người còn bán tín bán nghi đưa ra một số chi tiết trong bức ảnh chứng tỏ đây là sản phẩm của... photoshop.
Nhiều người cho rằng đây chỉ là sản phẩm của... photoshop.
Trong khi nhiều người vẫn tranh luận sôi nổi về thực hư câu chuyện, thì một số thành viên trong nhóm facebook trên đã nhanh tay đưa ra hình ảnh những con sư tử đá "phiên bản lỗi" trấn trước của nhà để "đọ dáng vẻ" khiến người xem không nhịn được cười.
Ngoẹo cổ cả đời như này không biết có mỏi không?
Chắc đây là sư tử đá trước cửa trường mẫu giáo!
Sư tử dáng... siêu mẫu nhưng mà mặt "ngáo"!
Vậy cuối cùng, đâu là sự thật đằng sau tác phẩm điêu khắc gỗ khổng lồ này? Theo tìm hiểu từ trang Chinadaily, đây chính là con sư tử đã được sách kỷ lục Guinness công nhận là tác phẩm điêu khắc gỗ đỏ lớn nhất thế giới. Nó đang được đặt quảng trường Fortune Plaza ở Vũ Hán, Trung Quốc với tên gọi "Sư tử phương Đông".
Con "Sư tử phương Đông" được sách kỷ lục Guinness công nhận là tác phẩm điêu khắc gỗ đỏ lớn nhất thế giới.
Sự thật là, con sư tử này được chạm khắc trên một thân cây khổng lồ duy nhất do nhà điêu khắc nổi tiếng Dingding Rui Yao và đội ngũ 20 nhà điêu khắc ở Myanmar thực hiện trong khoảng thời gian 3 năm. Nó dài đến 14,5m, cao 5m và rộng 4m, uy nghi sừng sững một góc quảng trường.