Cây anh đào khổng lồ có niên đại tới hơn 1800 năm tuổi này được chính phủ Nhật Bản xếp vào danh sách báu vật quốc gia cần được bảo tồn.
Chỉ cần nhắc đến đất nước mặt trời mọc Nhật Bản, thứ người ta nghĩ đến đầu tiên - cũng là một trong những biểu tượng của quốc gia này là cây hoa anh đào. Không khó để bắt gặp hình ảnh những cây hoa anh đào nở rộ tuyệt đẹp, nhuộm hồng cả vùng trời tại Nhật.
Nếu là tín đồ của hoa anh đào và mong muốn một lần được đặt chân đến Nhật Bản “thưởng” hoa thì đừng bỏ qua một tuyệt tác được xem như báu vật của quốc gia này, đó chính là cây anh đào lâu đời nhất Nhật Bản: Jindai Zakura.
Cây anh đào Jindai Zakura - báu vật quốc gia của Nhật Bản.
Cứ đến giai đoạn từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5, người dân từ khắp nơi trên thế giới lại nô nức kéo đến quốc đảo Mặt trời mọc, chiêm ngưỡng cây sakura “báu vật” này khoe sắc hồng dưới nắng xuân. Tại sao cây anh đào này lại thu hút nhiều sự quan tâm đến thế? Vì lý do gì mà Jindai Zakura được chính phủ Nhật xếp vào hàng báu vật quốc gia đặc biệt đến vậy?
Jindai Zakura (trong tiếng Nhật là “Những thế hệ thiêng liêng”) là cây hoa anh đào đại thụ đặc biệt thuộc ngôi đền Jisso-ji ở Hokuto, tỉnh Yamanashi (Nhật Bản). Jindai Zakura thuộc giống anh đào Edohigan, cao gần 12 mét, với chu vi thân 11,8 mét.
Theo lời truyền miệng của những bậc lão làng nơi đây thì cây tồn tại từ giữa năm 1800 và 2000, là cây anh đào lâu đời nhất ở Nhật Bản, và cũng là nhất thế giới. Theo truyền thuyết, Jindai Zakura được trồng bởi Yamato Takeru, người được biết đến là hoàng tử Osu và là vị hoàng đế thứ mười hai của Nhật Bản từ cuối thế kỷ thứ nhất sau CN.
Cây cao đến cao gần 12 mét, với chu vi thân 11,8 mét, đặc biệt có niên đại tới 1800 năm tuổi.
Thân cây đại thụ gồ ghề trải qua hàng nghìn năm tuổi.
Nếu tính theo sự tồn tại của nhân vật huyền thoại đã trồng nên cây anh đào này, thì Jindai Zakura có niên đại ít nhất là 1800 năm, một con số khiến ai nghe tới cũng phải “giật mình” vì quá lâu đời. Jindai Zakura không chỉ gắn liền với những câu chuyện lịch sử mà theo những đại sư đền Jisso-ji, cây anh đào này còn khá “thiêng”, đúng như cái tên của nó.
Được biết, cây anh đào này được trồng bởi vị hoàng đế thứ mười hai của Nhật Bản và gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử thiêng liêng.
Lâu đời và già cỗi là thế...
...nhưng hàng năm cứ mỗi dịp xuân đến, Jindai Zakura đều nở rộ khoe sắc, nhuộm hồng cả vùng trời Nhật Bản.
Jikiju Matsunaga - đại sư trụ trì đền Jisso-ji chia sẻ câu chuyện về cây anh đào đặc biệt: "Vào thế kỷ 12, Jindai Zakura đã từng suýt chết khô. Mọi người đều rất lo lắng, cho đến khi đại sư Nichiren - người đã trở thành một trong những bậc thầy vĩ đại của Phật giáo đến và cầu nguyện. Nhờ ơn Đức Phật, cây đã hồi sinh và sống đến ngày nay".
Chính vì những lý do đặc biệt đó, mà Jindai Zakura được chính phủ Nhật Bản xếp vào danh sách báu vật quốc gia cần được bảo tồn. Nhưng bất kể tuổi tác thuộc bậc “lão làng” đầy ấn tượng, cây anh đào này hàng năm vẫn phát triển và ra hoa rực rỡ vào mùa xuân, đẹp đến “xiêu lòng người” thu hút rất nhiều khách du lịch đến “mục sở thị”.
Hàng năm Jindai Zakura thu hút rất nhiều khách du lịch đến chiêm ngưỡng hoa và thăm ngôi đền Jisso-ji.
Khách du lịch không quên lưu giữ lại những hình ảnh đẹp nhất của anh đào khi nở rộ.
Hay chụp những bức hình lưu niệm bên cây anh đào đại thụ báu vật quốc gia.
Ngoài Jindai Zakura từ Hokuto với niên đại tới 1800 năm tuổi, Nhật Bản còn sỡ hữu 2 cây anh đào báu vật khác là Usuzumi Sakura Motosu (tỉnh Gifu) ước tính 1500 năm tuổi, và Miharu Takizakura ở quận Fukushima, khoảng 1.000 năm tuổi.
Nếu có dịp đến thăm đất nước Nhật Bản xinh đẹp, đừng bỏ lỡ thời điểm Jindai Zakura nở rộ vào khoảng ngày 3 - 11/4.