Nhà cổ Bình Thủy cách thành phố Cần Thơ chừng 10 km, có tuổi đời ngót nghét 140 năm.
Trong thời gian chỉ có nửa ngày một đêm, tôi đã đi tới chợ nổi Cái Răng và thăm nhà cổ Bình Thủy.
Nhà cổ Bình Thủy còn nổi tiếng trong và ngoài nước bởi rất có cơ duyên với nghệ thuật thứ bảy. Nơi đây, từng là bối cảnh cho hàng chục bộ phim nổi tiếng như “Những nẻo đường phù sa”, ”Người đẹp Tây Đô”, “Nợ đời”, hiện vẫn lưu giữ nhiều bút tích của các diễn viên đóng phim như Việt Trinh, Mỹ Uyên. Đặc biệt, đạo diễn người Pháp JJ.Annaud từng ở trong ngôi nhà suốt một tuần lễ chỉ đạo những cảnh quay trong bộ phim “Người tình”.
Nhà cổ Bình Thủy cách thành phố Cần Thơ chừng 10 km, taxi đỗ ngay trước cửa. Và rồi, xuống xe, nghe chuyện, chụp ảnh. Rồi thẫn thờ bởi vẻ đẹp của ngôi nhà cổ có tuổi đời ngót nghét 140 năm.
Nhà cổ Bình Thủy hay vườn lan Bình Thủy (vì trong nhà có vườn lan) là công trình kiến trúc văn hoá thuộc dạng cổ nhất ở miền Tây còn sót lại và hiện là địa điểm du lịch văn hóa về nguồn quen thuộc của mảnh đất phương Nam.
Chiếc đèn rất tây ngất ngây cùng hàng cau.
Nhà cổ Bình Thủy tọa lạc trên một thửa đất rộng khoảng 8.000 mét vuông theo hướng Đông - Tây. Trước mặt là đường giao thông và sông rạch để đón khí hậu trong lành và thuận tiện trong việc di chuyển. Xung quanh nhà là vườn cây trái, hoa kiểng quanh năm xanh tốt vừa tăng tính thẩm mỹ, tạo không khí mát mẻ vừa thể hiện sự trù phú, bình dị nhưng tao nhã.
Bước qua rào cổng kiên cố bằng bê tông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp, ta bắt gặp một cổng phụ nằm thẳng hàng với cổng rào, chếch về bên trái từ đường, xây dựng theo kiến trúc Á Đông với 4 cột tròn: 2 cột gỗ, 2 cột xi măng (2 cột xi măng nằm kề bên, xây dựng sau, có chức năng gia cố chịu lực). Hệ thống rui, mè, xà ngang bằng gỗ, mái lợp ngói ống, gờ bó mái bằng men xanh lục.
Mặt trước và sau cổng có gắn 2 bảng, một là chữ Hán “Phước An Hiệu” và một là chữ quốc ngữ “Phủ thờ họ Dương”.
Trên bờ nóc, đầu hồi trang trí hoa lá, cá vàng, kỳ lân, người cỡi trâu, bình hoa…. bằng xi măng. Đây là cổng chính của khu nhà thờ trước khi chủ nhân cho xây dựng qui mô lần cuối mà ta đang thấy hiện nay.
Sân phủ thờ khá rộng, lát gạch tàu 40x40 cm trồng đủ các loại cây kiểng: cau, tùng, dương xỉ, phát tài (thiết mộc lan), sứ Thái, cây vú bò - một loại dược liệu quý, quả dùng ngâm rượu chữa được nhiều bệnh.
Mái lợp 3 lớp ngói: 2 lớp dưới hình lòng máng, một lớp nhúng vôi bột trắng, do đó khi nhìn lên trần có cảm giác khoáng đãng, sáng sủa, lớp trên cùng sử dụng ngói ống. Các yếu tố trên đã tạo nên một không khí mát dịu cho ngôi nhà.
Vòm cửa hình vòng cung theo phong cách Art - Nouveau.
Nhà cổ Bình Thủy có 4 cầu thang lên nhà chính. Hai cầu thang lên thẳng 2 gian ngoài cùng, 2 cầu thang hình cánh cung dẫn vào gian giữa. Mặt đứng từ đường có 5 gian, cửa gỗ lá sách theo phong cách Art - Nouveau (một nghệ thuật trang trí Châu Âu thịnh hành vào đầu thế kỷ XX với vòm cửa hình vòng cung),...
...cột gạch vuông được đắp nổi hoa văn dây lá nho, sóc bằng xi măng.
Theo lời ông Dương Minh Hiển - chủ nhân hiện nay thì nhà thờ được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1870 bằng gỗ, lợp ngói, gồm 5 gian với vì kèo kiểu xuyên trính. Đến những năm đầu thế kỷ XX, gia đình đã xây mới để mở rộng không gian tiếp khách và sinh hoạt trong các dịp lễ, giỗ.
Nền nhà cao hơn 1 mét so với sân vườn, bó vỉa bằng đá xanh. Theo kinh nghiệm dân gian, chủ nhân đã cho đổ một lớp muối hột dày 10 cm trước khi lót nền bằng gạch bông (gạch hoa) 20x20 cm. Xung quanh nhà xây tường gạch kết dính bằng hồ vôi ô dước.
Lan can được sơn xanh dương, và tạo hình cầu kỳ, vô cùng đẹp mắt.
Gạch men lát nền có từ cách đây hơn 100 năm.
Trang trí hoa văn trần nhà.
Đèn trần sử dụng đèn dầu nhưng được tạo hình cầu kỳ.