Các chuyên gia chỉ ra một số sai lầm trong cách dạy con của bố mẹ có thể khiến trẻ khó đạt được thành công trong cuộc sống.
Hầu hết bố mẹ đều mong muốn con mình học tập tốt, tránh xa những rắc rối và đạt được thành công trong tương lai. Tuy nhiên, trong quá trình trẻ trưởng thành sẽ có nhiều va chạm, vì vậy đây không phải là mong ước được hóa hiện thực dễ dàng.
Các nhà tâm lý học đã xác định phương pháp giáo dục từ gia đình rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả cuộc đời đứa trẻ về sau, nếu bố mẹ dễ mắc một số sai lầm trong việc nuôi dạy con sau đây, có thể làm giảm cơ hội thành công của trẻ trong tương lai.
Không cho con bày tỏ cảm xúc
Nếu bố mẹ không cho con bày tỏ cảm xúc, có thể để những hệ quả tiêu cực cho sự phát triển tâm lý của trẻ. Đầu tiên, trẻ thường gặp khó khăn trong việc nhận biết, hiểu và quản lý cảm xúc của mình. Dẫn đến sự bất ổn tâm lý, khó khăn trong việc thiết lập mối quan hệ xã hội.
Việc kiềm chế và không thể bày tỏ cảm xúc có thể gây ra rối loạn tâm lý như căng thẳng, lo lắng, trầm cảm. Khi trẻ không biết cách xử lý và giải tỏa cảm xúc, dẫn đến sự tích tụ và bùng phát cảm xúc không lành mạnh. Nhiều trẻ mang cảm giác bị cô lập từ đó hình thành tính cách tự ti, nhút nhát.
Thực tế, các mối hệ tình cảm yêu thương chân thành thường phụ thuộc vào khả năng bày tỏ cảm xúc. Nếu trẻ yếu về mặt này, sẽ khó khăn trong việc thiết lập, duy trì mối quan hệ tình cảm lành mạnh, sâu sắc với người khác.
Vì vậy, điều quan trọng là bố mẹ nên cho con cơ hội bày tỏ cảm xúc đúng cách, nhằm giúp trẻ phát triển sự tự tin, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh trong cuộc sống.
Không cho con phụ giúp việc nhà
Trong trường hợp này, đứa trẻ không có cơ hội học cách chịu trách nhiệm và đóng góp vào sự cải thiện chung. Theo các nhà tâm lý, những người từ khi còn nhỏ đã được khuyến khích làm việc nhà, khi lớn lên thường độc lập hơn, biết cách hợp tác tốt với đồng nghiệp trong công việc.
Việc trẻ phụ giúp bố mẹ làm việc nhà từ khi còn nhỏ mang đên nhiều lợi ích cho sự phát triển. Đầu tiên, trẻ có thể rèn luyện kỹ năng chịu trách nhiệm và tự quản lý. Khi trẻ được giao một nhiệm vụ nhất định, phải học cách sắp xếp thời gian để hoàn thành công việc đó.
Thứ hai, việc tham gia vào công việc nhà giúp con hiểu rõ hơn về giá trị của công sức lao động. Ví dụ, đứa trẻ có cơ hội nhận thấy rằng việc dọn phòng, sắp xếp quần áo, đồ chơi, hay giữ gìn môi trường sống sạch sẽ là công việc cần thiết, để tạo nên sự thoải mái và hạnh phúc của gia đình. Từ đó, phát triển tư duy về trách nhiệm gia đình, cũng như ý thức về sự cống hiến cho cộng đồng.
Không dạy con tiết kiệm tiền
Cuộc sống không ngừng thay đổi, chúng ta thường không biết chính xác được điều gì sẽ xảy ra, đó là lý do tại sao việc dạy con tiết kiệm tiền, biết thích nghi khi có biến đổi là rất quan trọng.
Đứa trẻ học cách tiết kiệm tiền khi còn nhỏ, đồng nghĩa với việc được trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết để đối mặt với sự thay đổi, khó khăn trong môi trường kinh tế mới.
Đồng thời, bố mẹ cũng nên chú trọng việc đầu tư vào giáo dục giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi, ham học hỏi. Điều này giúp trẻ tự tin, linh hoạt trong việc chọn lựa, thích ứng với các cơ hội mới và thách thức trong tương lai.
Áp đặt con chọn nghề theo mong muốn của bố mẹ
Việc bố mẹ áp đặt trẻ chọn nghề nghiệp theo mong muốn của mình được xem là không phù hợp, vô tình tạo thêm áp lực, gánh nặng cho con. Bởi mỗi đứa trẻ sẽ có tài năng và thế mạnh riêng.
Như câu chuyện của Andrew, có niềm đam mê với máy tính và nghiên cứu nhiều chương trình khác nhau từ khi còn nhỏ, nhưng bố mẹ anh cho rằng đam mê này không mang lại lợi ích. Tuy nhiên, một ngày nọ, anh tình cờ phát hiện các khóa học kiểm thử phần mềm trên internet và quyết định tham gia. Anh đã thành công đáng kể trong lĩnh vực này.
Tatyana, 37 tuổi, từng làm nhà xã hội học cho một công ty tư vấn lớn. Tuy nhiên, sau khi sinh con trai, cô không thể dành nhiều thời gian cho công việc như trước. Tatyana từng có niềm đam mê với nhiếp ảnh nhưng vì bố mẹ không thích nghề này, vì vậy cô đã từ bỏ nó.
Bây giờ khi có cuộc sống riêng, cô quyết định thử lại. Thời gian đầu, cô chụp ảnh con của mình, sau đó chụp ảnh cho bạn bè và người quen. Sau 2 năm, Tatyana đã mở một studio riêng, hiện tại cô kiếm được nhiều tiền như chồng, cũng như có thời gian chăm sóc gia đình.
Câu chuyện của Andrew và Tatyana là minh chứng rõ ràng cho việc rằng không cần bám trụ vào một nghề nghiệp duy nhất suốt đời. Thực tế, sự mở rộng và khám phá các lĩnh vực mới có thể mang lại cơ hội thành công. Điều quan trọng là trẻ phát triển tư duy theo đuổi đam mê tích cực, sẵn sàng thay đổi khi cơ hội xuất hiện.
Không cho con sử dụng mạng xã hội
Mạng xã hội hiện nay đã trở thành một nền tảng giao tiếp phổ biến. Trẻ em có khả năng nắm bắt nhanh chóng chỉ trong vài ngày.
Theo các chuyên gia, bố mẹ không nên cấm trẻ sử dụng mạng xã hội, bởi điều này có thể khiến trẻ thêm tò mò, dẫn đến việc tự mình tiếp cận và tìm hiểu những thông tin không lành mạnh. Đồng thời, trẻ có thể bị tụt hậu về kiến thức công nghệ và kỹ năng sống cần thiết trong thế giới ngày nay.
Thay vì cấm đoán, khi con đến một độ tuổi phù hợp, bố mẹ nên hướng dẫn trẻ sử dụng đúng cách áp dụng một số quy tắc an toàn, giám sát thời gian... nhằm kiểm soát tốt thông tin mà trẻ đang tiếp cận.
La mắng con khi thất bại
Nhiều phụ huynh vội vàng la mắng khi trẻ không đạt được mong muốn như kỳ vọng, nhưng theo các chuyên gia điều này vô tình khiến trẻ trở nên tự ti, dần xa cách bố mẹ.
Bởi việc la mắng không mang lại lợi ích lâu dài và có thể gây tổn thương tâm lý cho trẻ. Thay vào đó, bố mẹ được khuyến khích nên ủng hộ việc dạy trẻ cách làm đúng thông qua hướng dẫn và hỗ trợ.
Trong một số trường hợp, bố mẹ có thể áp dụng nguyên tắc nghiêm khắc, nhưng nên được áp dụng một cách công bằng, nhẹ nhàng và mang tính xây dựng. Điều này nhằm mục đích giúp trẻ hiểu rõ hành vi sai lầm và học cách điều chỉnh.
Thưởng tiền nếu con đạt điểm cao
Bố mẹ thưởng tiền cho con khi đạt điểm cao, có thể gây ra hiểu lầm rằng giá trị của việc học và thành tích chỉ nằm trong số tiền nhận được. Điều này làm cho trẻ lớn lên với niềm tin rằng mọi hành động chỉ xứng đáng nếu có lợi ích tài chính.
Khi trẻ chỉ tập trung vào việc nhận được tiền thưởng, sự chú tâm thường dồn vào việc đạt được kết quả cuối cùng mà không quan tâm đến quá trình học tập. Từ đó ảnh hưởng đến việc xây dựng nền tảng kiến thức, kỹ năng cần thiết trong tương lai.