Việc rèn luyện kỹ năng tự lập cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời, sẽ tạo nền tảng vững chắc cho tương lai.
Tư duy tự lập là một trong những kỹ năng quan trọng giúp trẻ phát triển thành những cá nhân độc lập, tự tin và có khả năng đối mặt với những thử thách trong cuộc sống.
Việc dạy con tư duy tự lập giúp trẻ trở nên tự chủ, trang bị những kỹ năng cần thiết để thành công trong tương lai.
Bố mẹ là những người đầu tiên và có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc sống của trẻ. Sự giáo dục và định hướng từ bố mẹ tạo ra nền tảng vững chắc cho tư duy tự lập.
Ảnh minh họa.
Hãy tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào các hoạt động mà chúng có thể tự làm, từ việc tự mặc quần áo đến tự làm bài tập ở nhà. Hay tạo cho trẻ cơ hội lựa chọn trong những tình huống nhất định, như chọn đồ ăn, chọn trang phục hoặc quyết định hoạt động chơi.
Nếu bố mẹ có thể khuyến khích trẻ thử sức và tự đưa ra quyết định, sẽ phát triển khả năng tự lập và tự tin, khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả.
Điều này không chỉ giúp trẻ thành công trong học tập mà còn trong cuộc sống, còn đối mặt với những thách thức một cách mạnh mẽ và chủ động. Vậy bố mẹ nên rèn luyện cho trẻ tư duy tự lập như thế nào? Chuyên gia tâm lý nguyễn ngọc vui phân tích và đưa ra lời khuyên.
Chuyên gia tâm lý nguyễn ngọc vui.
Tư duy tự lập có thể được định nghĩa rõ ràng như thế nào? Có thể cho ví dụ cụ thể về những biểu hiện của tư duy tự lập ở trẻ?
Chúng ta có thể hình dung tư duy là khả năng để trẻ suy nghĩ, nhận định... liên quan đến việc xử lý vấn đề, nhận thức, sáng tạo. Trong khi đó, tự lập chúng ta có thể hiểu đơn giản là việc trẻ có thể tự lo cho bản thân, chịu trách nhiệm, ra quyết định không phụ thuộc vào người khác.
Dưới góc nhìn của đứa trẻ, khi được dạy tự nhận biết, quản lý nhiều khía cạnh trong cuộc sống như: Thời gian, việc ăn uống, chăm sóc bản thân, quyết định vấn đề nào đó...
Vậy biểu hiện của tư duy tự lập ở trẻ như thế nào? Chúng ta có thể xem xét một số ví dụ: Trẻ 5 tuổi khi thức dậy tự biết vào nhà vệ sinh để đánh răng, hay trẻ học lớp 2 đi học trở về nhà sẽ biết chào người lớn mà không cần bố mẹ nhắc nhở. Hay khi có khách đến nhà, trẻ biết chào hỏi, rót trà mời... Trẻ chủ động giúp đỡ mẹ chuẩn bị bữa cơm, dọn dẹp, rửa chén bát trong nhà...
Trường hợp khác khi trẻ bước vào tuổi thiếu niên, nhận được lời tỏ tình từ bạn trong lớp, sẽ tự động biết cách nói lời từ chối, hay chủ động kể bố mẹ nghe để được nghe lời khuyên.
Một người mẹ cho rằng, dạy con tư duy tự lập là hướng trẻ ý thức được đây là là tốt cho bản thân, phục vụ cho bản thân trẻ, những việc trẻ tự làm và nên làm chứ không phải làm điều gì đó ép buộc? Chuyên gia nghĩ sao về điều này?
Thứ nhất, chúng ta nên nhìn nhận tư duy tự lập hoàn toàn khác với sự ích kỷ chỉ hướng vào bản thân. Bởi tư duy tự lập không phải là hướng đến việc có lợi cho bản thân mới làm, hay chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng, mà là trước tiên sẽ giúp ích cho trẻ, sau đó hỗ trợ người khác.
Tư duy tự lập là khi trẻ hiểu rằng đâu là trách nhiệm bản thân phải làm, điều gì thuộc về phần của mình mà không cần người khác tác động hay hỗ trợ. Ví dụ, việc ăn uống là quyền lợi cho bản thân, trẻ ăn để có sức khỏe tốt, không phải ăn để bố mẹ vui, hay làm hài lòng người thân.
Hoặc trẻ ý thức được rằng việc học, đọc sách là cách giúp đỡ cho trẻ tiếp thu thêm kiến thức,... không phải là việc ép buộc từ người lớn, hay bố mẹ có trách nhiệm nhắc nhở.
Chuyên gia có thể chia sẻ một số câu chuyện thực tế về trẻ em đã thành công trong việc phát triển tư duy tự lập? Những yếu tố nào đã giúp trẻ đạt được điều đó?
Nếu chúng ta quan sát có thể nhìn thấy nhiều câu chuyện trong cuộc sống hàng ngày. Khi trẻ học cách tự chăm sóc bản thân, làm điều nên và phải làm. Ví dụ, trẻ hiểu chuyện, có tư duy tự lập thường chủ động trong những tình huống liên quan đến bản thân, yếu tố xã hội, biết chào hỏi, nói lời cảm ơn, xin lỗi hoặc xin phép khi muốn làm điều gì đó.
Thực tế, cách suy nghĩ, hành động về tư duy tự lập này giúp trẻ phát triển tốt cả thân thể và tinh thần.
Tiếp theo, tư duy tự lập giúp trẻ xây dựng được niềm tin, yêu mến từ mọi người xung quanh. Khi trẻ tạo được niềm tin, những người xung quanh có thể hỗ trợ trẻ, tạo điều kiện thuận lợi hơn về học tập, kết nối gia đình, bạn bè.
Về sau, khi trẻ bước vào giai đoạn mới, như đi du học, hay bắt đầu mối quan hệ lãng mạng, chắc chắn trẻ sẽ trở nên tự tin và thành công hơn.
Có sự khác biệt nào trong cách dạy tư duy tự lập cho trẻ ở những độ tuổi khác nhau (như mẫu giáo, tiểu học, thanh thiếu niên) không?
Về vấn đề này sẽ có khác biệt theo từng bậc khác nhau. Đối với trẻ dưới 7 tuổi, bố mẹ nên hướng trẻ tự lập những vẫn đề cá nhân, chăm sóc bản thân. Ví dụ, thời gian trẻ thức dậy, bao nhiêu lượng kẹo được ăn mỗi ngày, nên biết cách đánh răng, dọn dẹp đồ chơi trong phòng... Những điều này thiên về bản thân trẻ nhiều hơn.
Nhưng khi trẻ vào tiểu học, bước ra ngoài môi trường xã hội, lúc này bố mẹ đặc biệt dạy con tư duy tự lập trong những tình huống mang tính xã hội cao. Cụ thể, ở trường trẻ cần chú tâm học tập, nơi đông người biết giữ khoảng cách, phản ứng với người lạ...
Trẻ ở mỗi độ tuổi, bố mẹ nên áp dụng rèn những cách tự lập khác nhau. Tuy nhiên, nếu trong gia đình, bố mẹ, ông bà có tư tưởng bao bọc, nuông chiều... điều này liên quan đến cách giáo dục, sẽ khó để trẻ phát triển được tư duy tự lập.