Sự xuất sắc của trẻ không thể tách rời nỗ lực, động viên, hỗ trợ từ bố mẹ ở hậu phương.
Bố mẹ có tầm nhìn xa thường hướng đến việc dạy dỗ con bằng lời nói tích cực, và làm gương tốt.
Mạc Ngôn từng nói “Sự xuất sắc của con thấm đẫm mồ hôi bố mẹ”.
Trên thực tế, sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ phản ánh mô hình thu nhỏ ở gia đình, không có đứa trẻ nào sinh ra đã ngoan, hay "hư hỏng" bẩm sinh. Đó là cả quá trình nuôi dạy, bố mẹ truyền đạt điều gì, trẻ sẽ tiếp thu từ đó để lớn lên.
Nhiều người nhận định, sự trưởng thành của một đứa trẻ bắt đầu ở nhà, phát triển tại trường học và kết thúc ngoài xã hội.
Và điều quan trọng bố mẹ chính là điểm khởi đầu của trẻ. Vì vậy, việc xây dựng gia đình tích cực là chìa khóa để nuôi dưỡng đứa trẻ xuất sắc.
Không có đứa trẻ nào sinh ra đã có tính kỷ luật tự giác
Thực tế, tính cách và vẻ đẹp của mỗi đứa trẻ phần lớn phụ thuộc vào phương pháp giáo dục của bố mẹ. Hầu hết những đứa trẻ có tính kỷ luật thường được nuôi dạy bởi bố mẹ có tính cách này. Bố mẹ là người có ảnh hưởng đến con, từ những giá trị sống đến thói quen hàng ngày.
Khi trẻ lớn lên, chưa phát triển đầy đủ khả năng tự chủ, tự quản lý tốt và khó có ý thức trong mọi việc. Trẻ cần sự hướng dẫn và hỗ trợ từ bố mẹ để hình thành những thói quen tốt và ý thức trách nhiệm. Có câu nói "Sự kỷ luật của bố mẹ là nền tảng, sự tự giác của con cái là mục tiêu." Điều này nhấn mạnh rằng giáo dục kỷ luật mà bố mẹ áp dụng sẽ quyết định cách trẻ phát triển và hành động trong tương lai.
Chính vì vậy, bố mẹ cần phải nuôi dưỡng ngay từ khi còn nhỏ, phát triển những phẩm chất cần thiết cho cuộc sống. Việc xây dựng một môi trường gia đình tích cực, nơi mà trẻ được khuyến khích thử nghiệm, mắc sai lầm và học hỏi từ những sai lầm đó, là điều vô cùng quan trọng.
Đằng sau mỗi đứa trẻ tự giác, có những bậc bố mẹ tuyệt vời và kiên định. Bố mẹ hướng dẫn, trở thành tấm gương để trẻ noi theo. Sự kiên nhẫn và nhất quán trong việc nuôi dạy sẽ giúp trẻ nhận ra giá trị của kỷ luật và tự giác. Kỷ luật cẩn thận và giáo dục đúng đắn giúp trẻ đạt được kết quả xuất sắc, đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Sự xuất sắc của trẻ không thể tách rời nỗ lực từ bố mẹ ở hậu phương
Nhiều phụ huynh trong nhóm thường âm thầm xem con của ai học giỏi và xuất sắc hơn. Họ so sánh thành tích của con mình với những đứa trẻ khác mà không nhận ra rằng đứng sau mỗi thành công đều có những nỗ lực không ngừng nghỉ.
Đại đa số mọi người “nhìn bên ngoài mà không chú ý bên trong”, chỉ chú ý đến những thành tích bề nổi mà không hiểu được quá trình gian khổ và những hy sinh mà gia đình đó đã trải qua.
Hầu hết chúng ta đều tập trung vào đứa trẻ xuất sắc nhưng lại không nhận ra bố mẹ cũng nỗ lực phía sau. Những bậc bố mẹ này thường cung cấp kiến thức, nguồn động viên, khích lệ cho con trong từng bước đi. Họ dành thời gian để lắng nghe, hỗ trợ và tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi trẻ có thể tự do khám phá và phát triển bản thân.
Trẻ em học từ sách vở, hành động, thói quen và thái độ của bố mẹ. Bố mẹ là tấm gương phản chiếu những giá trị mà trẻ sẽ mang theo suốt đời. Nếu bố mẹ thể hiện sự chăm chỉ, kỷ luật và đam mê học hỏi, trẻ sẽ tự nhiên tiếp thu những phẩm chất đó. Trẻ sẽ học cách vượt qua khó khăn, kiên trì theo đuổi mục tiêu và không dễ từ bỏ ước mơ, bởi đã thấy bố mẹ làm như vậy.
Trên thực tế, việc nuôi dạy một đứa trẻ xuất sắc là quá trình hợp tác giữa bố mẹ và con cái. Thực tế, không ai sinh ra đã trở thành thiên tài. Mỗi thành công đều được xây dựng từ những nỗ lực, kiên nhẫn theo thời gian.
Vì vậy, muốn trẻ xuất sắc, bố mẹ cũng cần đầu tư thời gian, tâm huyết và cả tình yêu thương để tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển. Đó là một hành trình không hề dễ dàng, nhưng phần thưởng mang lại cho cả bố mẹ và con sẽ là vô giá.
Bố mẹ có tầm nhìn, dạy dỗ con bằng lời nói tích cực và làm gương
Gia đình là ngôi trường đầu tiên nơi trẻ lớn lên. Trong gia đình, lời nói, việc làm của bố mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách, thói quen, giá trị và quan điểm sống của trẻ.
Là người thầy đầu tiên của trẻ, hành động và lời nói của bố mẹ có tác động sâu sắc
Nếu bố mẹ có thể dạy dỗ đúng đắn bằng lời nói, hành động và làm gương tốt, trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận nền giáo dục, lối sống đúng đắn và trở thành người ưu tú.
Có câu nói "Việc bố mẹ trở thành người thế nào quan trọng hơn nhiều so với những gì làm cho con"
Dù bố mẹ có cung cấp cho trẻ nguồn vật chất và tinh thần dồi dào nhưng nếu nhân cách, hành vi của bản thân có vấn đề thì khó tác động tốt đến con.
Ngược lại, nếu bản thân bố mẹ có nhân cách, hành vi tốt sẽ tác động tích cực đến trẻ ngay cả khi nguồn lực tài chính, điều kiện vật chất hạn chế.