Nhà tâm lý học người Mỹ đã tiến hành thí nghiệm trên những chú khỉ con để tìm được nguyên nhân.
Mặc dù các ông bố bà mẹ đều biết rằng không nên la mắng con quá nhiều, quá gay gắt vì điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển tính cách của trẻ, khiến con rụt rè, tự ti sợ hãi. Song, thực tế thì có những bậc phụ huynh vẫn không thể kiềm chế được cảm xúc mà la mắng con mỗi khi con không vâng lời hoặc làm sai việc gì đó.
Tuy nhiên, mẹ có để ý không, cứ mỗi lần bị mẹ mắng thì con không những không giận mẹ mà còn chạy lại ôm mẹ. Tại sao trẻ lại có hành vi như vậy? Là bởi vì:
1. Con khao khát cảm giác an toàn từ mẹ
Năm 1930, nhà tâm lý học người Mỹ Harlow đã tiến hành một thí nghiệm gây tranh cãi, đó là tách chú khỉ mới sinh ra khỏi mẹ và nhốt chung trong một cái hộp riêng. Bên cạnh đó, ông còn làm hai mẹ khỉ giả: một bằng dây thép và một bằng vải nỉ đặt vào trong hộp. Mẹ khỉ làm bằng dây thép có bình bú sữa có thể cung cấp sữa suốt ngày đêm, còn mẹ khỉ vải nỉ thì không có sữa.
Con đòi mẹ ôm sau khi bị mắng vì con muốn tìm cảm giác an toàn từ mẹ (Ảnh minh họa).
Sau một thời gian quan sát, Harlow phát hiện ra khỉ con đều thích ở bên mẹ khỉ vải nỉ. Chỉ khi nào đói chúng mới tìm đến mẹ khỉ dây thép để bú sữa. Bú no lại ngay lập tức chạy lại với mẹ khỉ vải nỉ. Vài ngày sau, Harlow đưa chú khỉ con vào một căn phòng nhỏ xa lạ. Tại đây, chú khỉ con đã trốn vào một góc và nằm cuộn tròn người lại. Tiếp theo, nhà tâm lý học người Mỹ đưa mẹ khỉ bằng dây thép vào, thế nhưng điều ngạc nhiên là khỉ con không hề nhúc nhích. Vậy mà vừa nhìn thấy mẹ khỉ vải nỉ, chú khỉ con đã tức thì lao đến ôm chặt lấy “mẹ”.
Sau khi thực hiện thí nghiệm này nhiều lần, Harlow kết luận những chú khỉ con chỉ cảm thấy an toàn khi được tiếp xúc thân thể với khỉ mẹ vải nỉ. Tương tự như thế, trẻ em cũng sẽ chỉ tìm thấy cảm giác an toàn khi được ôm mẹ hoặc mẹ ôm. Do đó, đây chính là lý do vì sao mỗi khi mẹ mắng con thì con đều đòi ôm mẹ, vì chỉ khi được ở trong vòng tay mẹ, những cảm giác sợ hãi lo lắng của con mới biến mất.
2. Sợ bị mẹ bỏ rơi
Đối với trẻ, ôm chính là hình thức biểu thị tình cảm nhất, ấm áp nhất dành cho mẹ (Ảnh minh họa)
Khi tức giận, có nhiều bà mẹ đã nói với con rằng: “Nếu con không ngoan, mẹ sẽ không yêu con nữa”. Đành rằng đây chỉ là câu nói nhất thời trong lúc không kiểm soát được cảm xúc của mẹ, song trẻ lại tin là mẹ sẽ bỏ rơi mình thật. Vì thế, bé sẽ ngay lập tức chạy lại ôm lấy mẹ để xin lỗi mẹ, để mẹ đừng bỏ mình. Đối với trẻ, ôm chính là hình thức biểu thị tình cảm nhất, ấm áp nhất dành cho mẹ.
3. Con quên không giận mẹ
Các nhà nghiên cứu cho biết trí nhớ của trẻ dưới 4 tuổi là “trống rỗng” do vùng hippocampus - chức năng ghi nhớ dài hạn của não bộ chưa hình thành. Từ 4 tuổi trở lên, các bé mới bắt đầu có thể nhớ được dần dần những việc xảy ra với mình. Chính vì thế, sau khi bị mẹ mắng xong, con hoàn toàn quên mất việc mình vừa bị mẹ mắng xong nên đã lao ngay vào đòi mẹ ôm.
Câu nói “yêu cho roi cho vọt”, suy cho cùng ở thời đại ngày nay đã trở nên lỗi thời. Bởi các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều phương pháp giáo dục trẻ mà không cần phải dùng đến roi vọt hay đánh mắng. Và nguyên tắc nuôi dạy con nên người cần được xây dựng trên tình yêu thương. Thế nên, các bố mẹ nên học cách cố gắng cảm xúc của mình để hạn chế việc mắng con, và nếu có lỡ mắng thì hãy ôm con thật chặt nhé.