Con gái nói tối nào người đàn ông đó cũng đến, ở lại đến khuya mới ra về khiến tôi bàng hoàng.
Vợ chồng tôi cưới nhau được 2 năm mới sinh được 1 cô con gái đầu lòng. Khi con được 2 tuổi, tình hình kinh tế khó khăn nên vợ chồng bàn nhau phải chia ra đi làm ăn thì cuộc sống mới khấm khá được. Chính vì thế tôi khăn gói lên thành phố kiếm việc còn vợ ở nhà chăm sóc con gái.
Vì không được học hành đầy đủ nên lên phố tôi cũng chỉ kiếm được công việc chân tay vất vả với đồng lương ít ỏi để gửi về cho vợ con ở nhà. Dẫu vậy cứ nghĩ đến con gái đang tuổi ăn tuổi lớn và người vợ tần tảo ở nhà, tôi lại có động lực để cố gắng.
Vì quê nhà ở xa lại không có điều kiện kinh tế nên tôi đi làm chỉ gửi tiền về chứ cũng không có điều kiện về thăm nhà nhiều. 2 năm xa nhà tôi chỉ về 1 lần dịp Tết. Sau đó, vợ chồng liên lạc qua điện thoại, biết được mẹ con ở nhà vẫn khỏe là tôi yên tâm.
Khi con gái được 2 tuổi, vợ tôi gửi cháu đi trẻ và kiếm công việc ở gần nhà để làm. Không ít lần vợ định ôm con lên thành phố cùng tôi kiếm việc làm nhưng suy đi tính lại tôi vẫn thấy vợ con ở quê là tốt nhất cho sự phát triển của con. Cuộc sống phố xá nơi thành thị không có tiền, chỉ tội đứa nhỏ.
Thế là mỗi ngày tôi đều cố gắng làm lụng tích góp tiền để gửi về cho vợ nuôi con. Cho tới mãi đây, khi tích góp được 1 khoản và cũng quá nhớ vợ con nên tôi quyết định về thăm nhà ít hôm mà không báo trước. Sự xuất hiện của tôi khiến cả vợ và cô con gái 4 tuổi đều sững sờ.
Dù là bố nhưng suốt 2 năm qua tôi chưa có cơ hội gần gũi con gái nên đứa trẻ cũng có phần lạ lẫm với tôi. Nó nhút nhát chưa dám tới gần nhưng tôi vẫn cố gắng từng chút một để làm quen với con. Đứa trẻ bẽn lẽn đến ngồi trong lòng tôi một chút rồi đòi đứng dậy. Tôi xin con bé ngồi để bố ôm một chút nhưng nó không chịu:
- Không, chú ấy sắp tới rồi - đứa trẻ nói.
Tôi khá bất ngờ với câu nói của con gái nên có hỏi chú nào tới.
- Chú đẹp trai, cái chú mà tối nào cũng đến nhà mình để chơi với con, với mẹ nữa. Con thích chơi với chú ấy cơ, tối nào chú ấy cũng đến chơi với con đến khuya mới về.
Nghe con nói mà tôi khá bàng hoàng vì không hiểu nhân vật mà con gái tôi nhắc đến là ai và trong suốt 1 năm qua tôi đi vắng, chẳng nhẽ vợ tôi lại có người đàn ông khác. Bao nhiêu suy nghĩ cứ quẩn quanh trong đầu tôi.
Nghe thấy tiếng chuông cửa, đứa trẻ nhanh chóng chạy ra mở và chào đón, là một chàng thanh niên khá trẻ tuổi với nụ cười thân thiện. Vừa nhìn thấy anh ta, con gái tôi đã ôm chầm lấy, trò chuyện rối rít, khác hẳn khoảnh khắc mà lúc sáng nó gặp tôi. Cảnh tượng ấy khiến tôi khá buồn.
Khi hỏi vợ tôi mới được biết hóa ra người chú mà con gái tôi nhắc tới là một chàng sinh viên gia sư được vợ tôi thuê về để rèn con gái học tiếng Anh được 2 tháng nay. Nhìn đứa trẻ quấn quýt, nói chuyện tíu tít với chú gia sư mà tôi chạnh lòng.
Suốt những ngày sau đó, đứa trẻ vẫn chưa thể quen với việc tôi là bố của nó và luôn giữ khoảng cách với tôi. Lúc đó tôi mới chợt nhận ra rằng tôi đã bỏ lỡ khoảng thời gian kết nối với con khá lâu. Tôi ra ngoài đi kiếm tiền với mong muốn mang lại cho vợ cho con một cuộc sống tốt hơn nhưng trái lại tuổi thơ của con đã thiếu vắng sự quan tâm, gần gũi với bố. Để giờ đây phải có lẽ mất một khoảng thời gian rất dài tôi mới dần làm quen được với con.
Tâm sự từ độc giả tuantran...@gmail.com
Áp lực kinh tế khiến rất nhiều bậc cha mẹ đành phải lựa chọn việc xa con để đi làm kiếm tiền. Từ đó vô hình chung khiến khoảng cách, sự liên kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái bị mờ nhạt.
Chính vì thế các bậc cha mẹ cần nhớ rõ, song song với việc làm kinh tế để ổn định cuộc sống, phụ huynh nên đặt ra cho mình những khoảng thời gian nhất định để tạo nên sự kết nối với các con, dù là các bé ở bất kì độ tuổi nào. Đáp án cho ông bố trong câu chuyện trên có lẽ sẽ nằm ở những gợi ý sau:
Bầu bạn với con nhiều hơn
Các nhà khoa học đến từ ĐH Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts và ĐH Pennsylvania đã thực hiện nghiên cứu với hơn 30 trẻ em từ 4-6 tuổi ở thành phố Boston (Mỹ).
Sau quá trình quan sát hoạt động não và phân tích các đoạn ghi âm của trẻ, tương tác của cha mẹ, các nhà nghiên cứu phát hiện những trẻ nói chuyện với cha mẹ thường xuyên có vùng ngôn ngữ vận động phát triển mạnh mẽ hơn.
Trẻ em học hỏi từ những người gần gũi thường ngày bằng cách quan sát và bắt chước. Ngoài việc học hỏi từ môi trường, trẻ sơ sinh học cách phát triển ngôn ngữ từ cha mẹ, trong đó có ngôn ngữ nói và ngôn ngữ cơ thể.
Do đó, việc thường xuyên trò chuyện có thể thúc đẩy mối quan hệ gia đình, đồng thời phát triển các kỹ năng xã hội của trẻ. Khi được nói chuyện, trao đổi, trẻ có cơ hội phát triển nhiều kỹ năng cùng một lúc như tư duy, phản biện, chia sẻ, lắng nghe.
Con người luôn thiết lập một mối liên hệ sâu sắc với những người đã tiếp xúc lâu ngày với họ, đó là lý do tại sao một số trẻ sơ sinh luôn đến gần người mà mình thường xuyên tiếp xúc. Nếu cha mẹ muốn vun đắp mối quan hệ cha mẹ - con cái thì hãy dành nhiều thời gian trò chuyện và chơi với con hơn.
Đối với những bé từ cấp tiểu học, trong quá trình trò chuyện, cha mẹ có thể kể về những khó khăn mình đang đối mặt để con hiểu mình hơn hay kể về những sự việc mà bạn thấy trong ngày. Bằng cách chia sẻ này, trẻ sẽ thấy mình được coi trọng, tin tưởng và từ đó thắt chặt mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Thường xuyên cùng nhau dùng bữa
Một nghiên cứu gần đây đã cho thấy, cha mẹ thường xuyên cùng con ăn uống có thể mang đến nhiều lợi ích như: cải thiện thói quen ăn uống, nâng cao tinh thần, cảm xúc với việc trẻ đạt được thành tích cao trong học tập.
Khi được ăn uống cùng gia đình, trẻ có cơ hội trò chuyện, tâm sự và thể hiện bản thân nhiều hơn, trẻ cũng cảm thấy thoải mái khi được dùng bữa trong không khí vui vẻ, dễ chịu.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Canada năm 2015, những bữa ăn gia đình đều đặn có thể ngăn chặn các vấn đề về rối loạn ăn uống hay trầm cảm, khuynh hướng bạo lực, lạm dụng chất kích thích,...
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra được mối liên hệ của những bữa ăn gia đình với thành tích học tập tích cực của trẻ ở trường. Đặc biệt, điều này này hiệu quả hơn ở đối tượng trẻ em gái.
Nếu cha mẹ không có nhiều thời gian để cùng con ăn uống, hãy lập kế hoạch để có thể ăn cùng con vào bất cứ lúc nào trong tuần.
Trong những bữa ăn tối cha mẹ có thể hỏi bé: “Hôm nay đi học con có gì vui không?” hoặc "Con có cần mẹ giúp đỡ gì không?"...
Để trẻ được giúp đỡ cha mẹ khi cần
Các nghiên cứu đã tiết lộ trẻ sơ sinh từ 12 tháng tuổi theo bản năng đều muốn giúp đỡ cha mẹ của mình nếu được cho phép. Điều này dẫn đến việc trẻ sẽ tiếp tục làm điều đó một cách tự nhiên cho đến khi trẻ trưởng thành trong cuộc sống sau này.
Còn với một đứa trẻ không được cha mẹ cho làm việc nhà từ nhỏ, thì khi trở thành thanh thiếu niên, trẻ sẽ không ý thức được bản thân cần chủ động thực hiện các phần việc của mình hay tự nguyện làm việc nhà.
Một trong những bản năng tự nhiên của trẻ nhỏ là muốn chứng tỏ mình có ích. Khi cha giao cho con những việc nhỏ phù hợp với sức bé, con sẽ thấy mình có trách nhiệm hoàn thành và cảm nhận được xem trọng từ người lớn.
Cha mẹ nên khen ngợi khi con thực hiện tốt và dành cho bé một phần thưởng nhỏ. Phương pháp này sẽ giúp cha mẹ và các con đến gần nhau hơn, đồng thời nuôi dưỡng tính cách tự tin, thích giúp đỡ người khác của bé sau này.