Kinh nghiệm của bà mẹ về việc tăng chiều cao cho con được nhiều người đồng tình.
Chiều cao của trẻ phát triển mạnh mẽ trong những năm đầu đời. Chính vì thế bậc phụ huynh nào cũng muốn chăm chút để thúc đẩy chiều cao tối đa cho con.
Một chia sẻ của bà mẹ ở Trung Quốc mới đây thu hút sự chú ý của nhiều người. Theo bà mẹ, con trai bà có tên An An, lúc mới đi học mẫu giáo là 3,5 tuổi chỉ cao 100cm. Vì thấy con nhỏ con, chiều cao thấp nên cô giáo còn định xếp bé vào lớp 2-3 tuổi. "Con chưa được 3 tuổi à chị?" - cô giáo hỏi. Thế nhưng khi chị nói con chị 3,5 tuổi, cô giáo mới ngỡ ngàng vì An An thấp hơn so với các bạn đồng lứa.
Cảm thấy lo lắng vì chiều cao của con quá thấp, mẹ An An đưa con trai đi khám bác sĩ. Sau khi kiểm tra sức khỏe, thậm chí làm kiểm tra tuổi xương, bác sĩ cho biết mọi thứ đều bình thường. Lúc này bác sĩ bắt đầu chuyển hướng tư vấn dinh dưỡng cho gia đình.
Bà mẹ cho hay, bữa nào An An cũng ăn một bát cơm to nhưng bác sĩ lại lắc đầu ngao ngán. Vị chuyên gia dinh dưỡng cho hay, trẻ ăn một bán cơm đầy hay một bát bánh hấp to nhưng ăn ít rau, thịt, trứng thì dù có ăn nhiều bao nhiêu cũng không đủ dinh dưỡng khiến đứa trẻ phát triển thể chất kém, chiều cao cũng kém hơn bạn đồng lứa.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho biết, gạo ngoài tinh bột là chất bột đường, dinh dưỡng rất đơn giản, bánh hấp cũng vậy, trẻ ăn nhiều nhưng không hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng, không lớn lên được.
Thông thường, trẻ cần được tiêu thụ đủ chất đạm chất lượng cao, canxi, sắt và các nguyên tố vi lượng khác cũng như đủ vitamin để phát triển chiều cao tối đa. Nếu cung cấp không đủ dinh dưỡng, cho dù ăn bao nhiêu cơm, bánh hấp cũng vô ích, trẻ có thể béo tốt nhưng không phát triển chiều cao.
Những lời nhận xét của bác sĩ dinh dưỡng khiến mẹ An An vô cùng ngỡ ngàng và suy nghĩ rất nhiều về điều đó. Cuối cùng, bà mẹ quyết định nghỉ việc 1 thời gian để ở nhà toàn tâm toàn ý chăm sóc chế độ ăn uống cho con trai.
Kể từ ngày hôm đó, bà mẹ bắt đầu tự mình nấu ăn 3 bữa cho con, thậm chí còn có thực đơn theo tuần, theo tháng. Thật bất ngờ, sau 1 tháng cân nặng của An An không tăng nhiều nhưng chiều cao tăng rõ rệt. Đi kiểm tra sức khỏe, các bác sĩ cho biết bé đã đạt được chiều cao trung bình. Kiên trì thêm 2 tháng nữa, An An đã tăng thêm 2cm, trung bình trong vòng một tháng bé tăng khoảng 0,7 cm. Khi An An bước sang giai đoạn 4-5 tuổi, cậu nhóc đạt kết quả đáng kinh ngạc, tăng 1cm/tháng và cuối cùng là tăng 6cm trong vòng nửa năm đầu tiên.
Bà mẹ vui mừng kể, trước đây An An thấp bé nhất lớp, không có gì nổi bật nhưng giờ bạn ấy cao nhất lớp, mỗi khi xếp hàng con luôn là người đứng cuối cùng. "Mình tổng hợp lại sự thay đổi chiều cao của con trong hai năm qua thì thấy có một số điểm rất mấu chốt, không chỉ là chế độ dinh dưỡng mà còn thêm 2 yếu tố nữa" - người mẹ nói. Như vậy, để con phát triển chiều cao tốt, bố mẹ cần lưu tâm 3 điều:
1. Ngủ sớm và dậy sớm
Khi ngủ sâu, lượng hormone tăng trưởng tiết ra gấp 2-3 lần ban ngày. Vì vậy, trẻ cần đi ngủ lúc 9h30 tối để không bỏ lỡ thời kỳ tiết hormone tăng trưởng mạnh từ 10h đến 2h sáng.
Trước đây An An thường ngủ với bà nên khi đi ngủ cậu bé thường chạy nhảy quanh giường để chơi. Tuy nhiên từ sau khi bà mẹ nghỉ việc ở nhà chăm con, An An ngủ với mẹ nên phải đi ngủ sớm, có một lịch trình sinh hoạt cẩn thận hơn.
2. Cân bằng dinh dưỡng
Ngày trước An An có thể ăn một bát cơm to hoặc nhiều bánh hấp nhưng ăn rất ít thịt và rau.
Sau này, mẹ An An chăm chỉ làm theo hướng dẫn của bác sĩ, chăm chỉ học làm nhiều món ăn ngon, đẹp mắt thu hút cậu bé. An An lúc nào cũng ăn hết khẩu phần ăn và rất ngon miệng. Vì thế theo người mẹ, các bậc phụ huynh nên tham khảo các sách nấu ăn cho trẻ để hấp dẫn con.
3. Cho con một môi trường tốt
Điều này rất ít bố mẹ để ý tới nhưng thực tế, tinh thần của đứa trẻ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển thể chất. Khi con cảm thấy hạnh phúc, thoải mái thì thể chất cũng tăng trưởng, phát triển tốt hơn. Đặc biệt là giai đoạn trước 3 tuổi, con cần bố mẹ nhiều nên bố mẹ cần chăm chỉ tương tác với con mọi lúc mọi nơi, có thể trò chuyện trước khi con đi ngủ hay đưa con đi ra ngoài chơi. Cảm xúc cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ!