Đã có lúc cậu bé 9 tuổi nhăn mặt vì khó chịu, đau đớn.
"Trên bước đường thành công không có dấu chân của người lười biếng", là một câu nói mà không ít các bậc cha mẹ thường dùng để khuyến khích, động viên và bắt buộc con em mình cần phải học tập, rèn luyện hơn mới vươn tới thành công.
Và trên thực tế, câu này cũng hoàn toàn đúng bởi khi trẻ thực sự cố gắng, chăm chỉ luyện tập mới gặt hái được những kết quả mong đợi. Một ví dụ điển hình chính là cậu bé Kubi Minh Cường - con trai nữ kiện tướng dancesport Khánh Thi và ông xã Phan Hiển.
Được biết, dù mới chỉ 9 tuổi nhưng con trai lớn nhà Khánh Thi cùng bạn nhảy Linh San (May) đã khiến nhiều người nể phục khi 2 lần đạt huy chương vàng (HCV) năm 2023 và 2024 tại Syllabus World Championships.
Trước đó cũng từng giành 7 HCV Giải vô địch khiêu vũ thể thao nghệ thuật - Linedance quận 3 mở rộng 2022 (năm thứ 3 liên tiếp đoạt giải Vô địch) cùng huy chương bạc (HCB) Liên hoan Các ngôi sao khiêu vũ, thể thao Đà Lạt 2019…
Và để liên tiếp đoạt được những thành tích ấn tượng khiến người lớn cũng phải nể phục, ít người biết mỗi ngày, cậu nhóc sinh năm 2015 ngoài học văn hóa còn phải có quá trình rèn luyện vô cùng khổ cực, khắc nghiệt.
Một clip ngắn mới được chia sẻ cách đây ít giờ chỉ là 1 trong số nhiều hình thức luyện tập mà Kubi phải trải qua cũng đủ khiến mọi người trầm trồ.
Theo đó, dưới sự hướng dẫn của cô giáo, để tập luyện đúng cách, Kubi phải đeo lên người một chiếc dây gọi là dây kháng lực. Theo lời cô giáo, chiếc dây này rất căng, bó sát vào cơ thể của Kubi giúp cho cơ thể siết lại và bắt buộc cơ thể sẽ phải làm việc với cơ bắp nhiều hơn.
Hình ảnh Kubi đang thực hiện tập nhảy với chiếc dậy này có vẻ khá khó di chuyển, có lần cậu bé nhăn mặt lại vì sức căng cứng của dây. Không ít cư dân mạng đã để lại bình luận thán phục cho tinh thần cố gắng luyện tập của cậu bé 9 tuổi.
- Tập luyện khổ công quá con ơi.
- Có được giải vàng thế giới không phải dễ, Kubi ngoan, chăm chỉ, tuyệt vời.
- Đúng là phải khổ luyện mới thành tài, chúc mừng Kubi.
- Luyện tập vất vả quá, nhiều người lớn chắc chịu thua.
Kubi thể hiện niềm yêu thích với bộ môn nhảy từ năm 3 tuổi và cậu nhóc luôn chăm chỉ tập luyện mỗi ngày.
Quả thực không chỉ với riêng cậu bé Kubi nhà Khánh Thi mà với bất kì đứa trẻ nào, để đạt được những thành tích trong học tập, các môn nghệ thuật hay thành công trong tương lai yêu cầu trẻ cần phải có nhiều kỹ năng và sự cố gắng rèn luyện. Chính vì thế các bậc cha mẹ cần không ngừng nhắc nhở, động viên con em mình không nản chí trên bước đường tiến tới thành công.
Chú trọng rèn luyện khả năng tập trung tốt
Sự tập trung là điều kiện tiên quyết cho việc học. Khi trẻ có khả năng tập trung tốt, nghiêm túc trong việc nghe giảng và làm bài tập, từ đó hiểu sâu hơn về những kiến thức đã học trên lớp. Điều này giúp trẻ dễ dàng đạt được kết quả tốt trong quá trình học tập.
Đồng thời, giúp trẻ loại bỏ những yếu tố xao lạc và tập trung tối đa vào việc học trước mắt. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và khả năng quản lý thời gian. Mẹ có thể giúp con rèn luyện kỹ năng tập trung bằng cách tạo ra môi trường học tập yên tĩnh, xác định thời gian học cụ thể và xây dựng kế hoạch.
Một yếu tố quan trọng khác trong việc tăng cường khả năng tập trung của trẻ là khả năng kết hợp những kiến thức học được với thực tế thông qua ví dụ cụ thể. Khi mẹ cung cấp cho con những ví dụ và ứng dụng thực tế của những kiến thức đã học, trẻ sẽ hiểu rõ hơn về ý nghĩa của chúng.
Ví dụ, mẹ có thể áp dụng kiến thức toán học vào việc tính tiền khi mua sắm, giúp trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc học và ứng dụng kiến thức trong cuộc sống hàng ngày.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể khuyến khích trẻ phát triển khả năng suy luận và logic thông qua việc đặt câu hỏi và khám phá sâu hơn về những kiến thức đã học.
Việc tập trung tốt không chỉ giúp trẻ đạt được thành tích tốt hơn trong việc học, mà còn là một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống. Kỹ năng tập trung giúp trẻ tự tin, kiên nhẫn và có khả năng quản lý thời gian hiệu quả.
Chú ý rèn luyện thói quen tốt
Những thói quen học tốt đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển khả năng tự học của trẻ. Khi trẻ có những thói quen này, không đợi bố mẹ thúc giục mà tự khám phá và tiến bộ trong học tập. Đặc biệt, khi bước vào cấp 2 và cấp 3, trẻ sẽ tự nhiên hình thành tính tự giác, chủ động và chăm chỉ hơn.
Ôn tập trước và sau giờ học là một thói quen học tốt giúp trẻ củng cố kiến thức và chuẩn bị tốt hơn cho bài học tiếp theo. Khi trẻ dành thời gian đọc lại và ôn lại những gì đã học, có thể tạo ra sự liên kết và ghi nhớ lâu hơn. Việc ôn tập cũng giúp trẻ nhận ra những khuyết điểm và điểm mạnh, từ đó có thể tập trung vào việc cải thiện và phát triển.
Không trì hoãn là một thói quen quan trọng giúp trẻ quản lý thời gian và hoàn thành công việc đúng hạn. Thói quen này cũng giúp trẻ phát triển sự tổ chức và kỹ năng quản lý thời gian, hai yếu tố quan trọng trong việc đạt được hiệu suất cao trong học tập và cuộc sống.
Hoàn thành bài tập về nhà một cách cẩn thận là một thói quen học tốt khác giúp trẻ áp dụng và vận dụng những kiến thức đã học. Khi trẻ làm bài tập về nhà một cách cẩn thận, tập trung vào từng bước và chi tiết nhỏ, từ đó xây dựng được sự chắc chắn và hiểu biết sâu hơn về chủ đề.
Với những thói quen học tốt này, trẻ dần hình thành tính tự giác và chủ động trong việc học tập. Trẻ nhận thức rằng việc học là trách nhiệm của chính mình và tự đặt mục tiêu để đạt được thành công. Trẻ sẽ không còn cần sự giám sát và thúc đẩy liên tục từ bố mẹ mà tự thấy hứng thú, sẵn lòng đồng hành với quá trình học tập.
Chú trọng nuôi dưỡng niềm đam mê học tập
Trẻ tò mò thường có kết quả học tập tốt hơn. Bởi vì bộ não rất linh hoạt và có tính dẻo cao, trẻ có khả năng học mọi thứ rất nhanh chóng. Những đứa trẻ như vậy thích đặt câu hỏi thông minh và tìm kiếm câu trả lời một cách sáng tạo. Học tập, ở bất kỳ lứa tuổi nào, vốn là một quá trình tiếp thu kiến thức và đòi hỏi sự tiếp thu đó một cách tích cực.
Trẻ luôn có hứng thú về thế giới xung quanh, không ngừng đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời. Sự tò mò này thúc đẩy trẻ tìm hiểu sâu về các chủ đề học tập và khám phá những khía cạnh mới.
Niềm đam mê học tập giúp bộ não hoạt động một cách tích cực, tạo ra mạng lưới liên kết kiến thức một cách sâu sắc. Học tập không chỉ là việc ghi nhớ thông tin mà còn là quá trình xây dựng khả năng tư duy sáng tạo và phản biện.
Phát triển sự tự tin cho trẻ
Những đứa trẻ có tinh thần vững vàng, ổn định về mặt cảm xúc sẽ có nhiều khả năng đạt được kết quả tốt hơn.
Thay vì chán nản và từ bỏ, trẻ có khả năng nâng cao sự kiên nhẫn và kiên trì, đặt mục tiêu và cố gắng hết mình để đạt được chúng. Tinh thần vững vàng giúp trẻ hiểu rằng thất bại là một phần tự nhiên của quá trình học tập và không phải là điểm dừng cuối cùng.
Khi trẻ tự tin vào khả năng của mình, sẽ dám thử những thử thách mới, khám phá và phát triển tiềm năng bên trong mình. Trẻ cũng cảm thấy thoải mái trong việc thể hiện ý kiến, chia sẻ ý tưởng và thiết lập mối quan hệ tốt với những người xung quanh.