Theo các đơn vị phát hành lớn tại Việt Nam, phim Việt mùa Tết có nhiều điều kiện thuận lợi để thành công, trong đó có yếu tố Tết Âm lịch không phải mùa cao điểm của bom tấn nước ngoài.
Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, phòng vé Việt diễn ra sự cạnh tranh của hai bộ phim Việt Nhà bà Nữ, Chị chị em em 2 cùng loạt tác phẩm ngoại Xác ướp: Cuộc phiêu lưu đến London, M3gan, Quý ông số đỏ...
Ngoài ra, hai phim chiếu từ trước Tết là Avatar: Dòng chảy của nước, Mèo đi hia: Điều ước cuối cùng sức hút giảm dần sau những ngày đạt doanh thu ấn tượng.
Bên cạnh sự giảm sức hút của tác phẩm ngoại là khả năng kiếm tiền của phim Việt mùa Tết. Thống kê từ Box Office Vietnam, phim Nhà bà Nữ đạt doanh thu hơn 270 tỷ đồng, chiếm đến 90% tổng doanh thu phim ra rạp dịp Tết Nguyên đán.
Trấn Thành thắng lớn mùa phim Tết Quý Mão. Phim Việt thắng lớn
Tính đến 30/1, doanh thu Nhà bà Nữ đạt 252,3 tỷ đồng. Dịp cuối tuần, dù bước sang mùng 7-8/1 (Âm lịch), phim của Trấn Thành bán được 1.084.815/11.272 suất chiếu và đạt 101,6 tỷ đồng, chiếm gần 1/2 tổng doanh thu phim. Con số này là mức tăng ấn tượng cho phim Việt chiếu Tết.
Theo sau Nhà bà Nữ là Chị chị em em 2. Tác phẩm của Vũ Ngọc Đãng hiện gần chạm mốc 60 tỷ đồng. Doanh thu cuối tuần của phim là 20,1 tỷ đồng. Dù kém Nhà bà Nữ đến bốn lần, phim do Minh Hằng đóng chính vẫn ở mức chấp nhận được so với loạt phim ngoại ra rạp.
Bộ phim có doanh thu ấn tượng khác, kéo dài từ trước Tết Nguyên đán là Avatar: Dòng chảy của nước. Mỗi ngày, phim thu khoảng 800 triệu đồng, tính đến 30/1 là 274,1 tỷ đồng.
Chị chị em em 2 mượn câu chuyện Ba Trà để kéo khán giả ra rạp.
Trong khi đó, loạt phim ngoại khác đều không thể cạnh tranh với hai tác phẩm nội địa. M3gan thu 10,2 tỷ đồng, Mae Nak hồi sinh (4,6 tỷ đồng), Mèo đi hia: Điều ước cuối cùng (53,2 tỷ), hoạt hình Xác ướp: Cuộc phiêu lưu đến London (12 tỷ đồng)...
Con số hơn 300 tỷ đồng là doanh thu khá ấn tượng dịp Tết Nguyên đán. Số lượng phim chiếu Tết năm nay khá ít, trong số đó phim Việt chiếm khoảng 90% doanh thu. Theo thống kê, doanh thu phim năm nay gấp 4 lần mùa Tết Canh Dần, tín hiệu khả quan về việc khán giả trở lại rạp chiếu sau hai năm trì trệ vì dịch Covid-19.
"Kết quả được đoán từ trước"
Theo ông Thái Dương, Trưởng Phòng Kinh Doanh và Marketing của Lotte Cinema, doanh thu phim Việt dịp Tết Quý Mão cao do nắm bắt tâm lý khán giả, nhất là Nhà bà Nữ.
"Tết là dịp gia đình sum họp. Phim Việt với đề tài gia đình, câu chuyện đời thường gần gũi được khán giả lựa chọn vì dễ xem. Phim có màu sắc tươi sáng, vui vẻ cũng là lựa chọn khả dĩ, dễ xem hơn phim có đề tài giật gân, kinh dị", ông Dương nói.
Đại diện đơn vị phát hành phim chiếu Tết cho biết thêm phim ngoại ưu tiên dịp Giáng sinh, Dương lịch. Dịp Tết Nguyên đán, không có phim nước ngoài nào thuộc hàng bom tấn được ra mắt. Đây là hai điều kiện thuận lợi giúp Nhà bà Nữ, Chị chị em em 2 hút khán giả ra rạp.
Đại diện đơn vị phát hành phim cho rằng phim đề tài gia đình dễ hút khán giả dịp Tết.
"Phim Việt dịp Tết ít áp lực cạnh tranh trên sân nhà. Chiến thắng của hai phim Việt mùa Tết là điều đoán trước được", ông Thái Dương nói thêm.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc phát hành CJ CGV Việt Nam, doanh thu 252,3 tỷ đồng của Nhà bà Nữ là chính xác, đây là số liệu chính thức được công bố bởi nhà phát hành và nhà sản xuất. Thị phần phim Việt chiếm phần lớn doanh thu phim ra rạp.
"Chỉ tính từ mùng 1-9 tháng Giêng Âm lịch, chỉ với hai phim Nhà bà Nữ và Chị chị em em 2, thị phần phim Việt chiếm khoảng 80% doanh thu, lượng khán giả chiếm 82% trong tất cả phim chiếu Tết", ông Hải chia sẻ với Tiền Phong.
Đại diện CGV cho biết có nhiều nguyên nhân giúp phim Việt vượt trội mùa Tết, trong đó có yếu tố phim phù hợp thị hiếu khán giả đại chúng. Tết Nguyên đán cũng không phải giai đoạn cao điểm của phim nước ngoài.
Khán giả vẫn đến rạp sau Tết
CGV ghi nhận cuối tuần qua, lượng khán giả đến rạp vẫn đông. Sắp tới, doanh nghiệp ngành điện ảnh trong nước duy trì hoạt động kinh doanh tích cực. "Chúng tôi muốn đưa thị trường điện ảnh phục hồi, bù khoản lỗ rạp gồng gánh suốt dịch", ông Hải nói.
Đại diện đơn vị phát hành nói đây là tín hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt. Các tác phẩm chỉn chu hình ảnh, nội dung phim phù hợp nhu cầu văn hóa, giải trí vẫn được khán giả chào đón.
Theo ghi nhận của Lotte Cinema, lượng khán giả đến rạp trong ba ngày (6-8/1 Âm lịch) tương đương với các ngày trong Tết (từ mùng 1-5 Tết), thậm chí có phần nhỉnh hơn do khán giả từ các địa phương trở lại TP.HCM làm việc.
"Tại các tỉnh, hầu như chỉ có 1-2 rạp phim ở trung tâm, nhu cầu khán giả xem là rất lớn, có những trường hợp hi hữu như vé buổi tối hôm nay đã bán hết từ sáng ngày hôm trước. Do vậy khi quay về thành phố, nhiều khán giả gặp lại bạn bè, đồng nghiệp mới quyết định ra rạp", ông giải thích.
Tết Nguyên đán không phải mùa cao điểm của phim ngoại.
Ngoài ra, cả hai bộ phim Việt chiếu Tết có những thông tin khen chê trái chiều. Việc liên tục cập nhật doanh thu trăm tỷ từ báo chí, mạng xã hội khiến nhiều khán giả tò mò muốn ra rạp.
"Với con số doanh thu khủng, suất chiếu đông khách mùa Tết, thị trường điện ảnh tại Việt Nam có cú hích quan trọng trong thời điểm khó khăn, sau một năm không đạt kết quả ấn tượng", ông Thái Dương nói với Tiền Phong.
Nhưng nếu so với thời điểm trước dịch, doanh thu hiện tại chỉ đạt 80-90%. "So với Tết 2022, khán giả trở lại rạp nhiều hơn. Tuy nhiên, so với trước dịch, cụ thể là năm 2019, lượng khán giả vẫn chưa bằng", ông Thái Dương nói.
Đại diện các đơn vị phát hành phim lớn, từ Lotte Cinema đến CGV... đều kỳ vọng thị trường điện ảnh năm 2023 trở lại với mức bằng trước dịch, bù lỗ sau hai năm rạp chiếu gần như đóng băng.