Những phản hồi của giới phê bình phim quốc tế đối với phim điện ảnh Bố Già khiến cư dân mạng Việt tranh cãi gay gắt.
Trailer chính thức của phim điện ảnh Bố Già.
Bố Già của Trấn Thành vẫn là bộ phim đứng top 1 doanh thu phòng vé Việt, chạm mốc 400 tỷ. Chưa hết, khi phim được công chiếu ở nước ngoài cũng có mức doanh thu khả quan.
Theo thông tin từ trang Deadline, phim Bố Già đã vượt mốc doanh thu 1 triệu USD (23 tỷ đồng), trở thành phim đầu tiên do Việt Nam sản xuất lập thành tích này tại thị trường Mỹ, tính đến ngày 15/06/2021. Trong thời điểm cuối tháng 5 năm ngoái, doanh thu Bố Già cũng từng lọt vào top 10 phòng vé Bắc Mỹ, thu 350.000 USD trong dịp cuối tuần.
Thắng lợi về doanh thu, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả nhưng Bố Già lại phải nhận nhiều ý kiến tiêu cực từ giới chuyên môn.
Cụ thể, mới đây trang đánh giá phim ảnh Rotten Tomatoes, điểm số của phim Bố Già dựa trên những lời nhận xét của khán giả và giới phê bình đã được công bố. Bố Già nhận được con số 98% từ khán giả đại chúng nhưng lại chỉ được giới phê bình chấm 29% với 7 bài đánh giá, trong đó có tới 5 bài dành lời chê thậm tệ.
Tờ Variety.nhận xét: “Ngay cả những nét văn hóa đặc sắc của địa phương cũng không thể cứu vớt được sự drama và hài hước quá mức của bộ phim này.”
Phim "Bố Già" bị giới chuyên môn đánh giá thấp.
Tờ South China Morning Post cho rằng phim Bố Già ôm đồm quá nhiều hướng khai thác như một bộ phim truyền hình. Người xem có cảm giác liên tục bị đưa từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, sự tinh tế và nhất quán đã bị bỏ quên trong bộ phim này.
Bố Già từng bị nhà phê bình phim Todd McCarthy nhận xét trên Deadline rằng chất hài và âm nhạc của phim giống như những màn sitcom liên tiếp hoặc những trò đùa ngớ ngẩn. Những hành động được tua nhanh hoặc quay chậm để chớp được nhân vật trong khoảnh khắc gượng gạo hoặc thô nhất. Những cảnh cãi vã, gây gổ, chửi bới trong con hẻm nhỏ đều được phụ họa bởi nhạc nền gây cười nhưng theo cách thao túng cảm xúc một cách thảm hại.
Tuy nhiên, nhà phê bình phim này có chia sẻ thêm: "Nếu Trấn Thành có thể so sánh với một diễn viên hài Mỹ, thì đó có lẽ là Rodney Dangerfield, nhưng không phải về hình thể hay phong cách, mà vì thực tế là nhân vật Ba Sang của anh luôn bị coi thường và bị bủa vây bởi những lời phàn nàn."
Việc phim Bố Già phải nhận những lời nhận xét tiêu cực của giới phê bình phim quốc tế đã khiến cư dân mạng Việt nổ ra tranh cãi gay gắt.
Một số khán giả cho rằng phim Việt chỉ cần người Việt thích đã là thành công. Hơn nữa. phim Bố Già mang theo nét văn hóa Việt nên người phương Tây không cảm nhận được cũng là điều dễ hiểu. Dù thế nào đi nữa, Bố Già cũng đã lấy đi của khán giả Việt rất nhiều nước mắt và người xem vẫn sẽ yêu thích bộ phim mặc kệ những ý kiến khen chê từ bên ngoài.
Nhưng một số đông khác lại cho rằng những nhận xét của quốc tế là khách quan. Bộ phim Bố Già rất giải trí nhưng giá trị nghệ thuật không cao. Một số khán giả cho rằng tình huống hài trong phim lố bịch, tình tiết nhiều xung đột nhưng lại không sâu nên nhạt, diễn xuất của các diễn viên cũng một màu. Lý do phim được yêu thích là nhờ đề tài gia đình vốn luôn nhận được nhiều sự đồng cảm của người Việt. Thậm chí, có người cho rằng nếu phim Việt tiếp tục giữ chất lượng như Bố Già thì sẽ mãi không thoát được "ao làng".
Cư dân mạng Việt người bảo vệ "Bố Già", người lại chê phim lố bịch sau những nhận xét của giới phê bình phim quốc tế.
Trước đây, khi thông tin phim Bố Già sẽ đại diện cho điện ảnh Việt tham dự vòng sơ loại hạng mục Best International Film (Phim quốc tế hay nhất) của Oscar 2022, cư dân mạng cùng bùng lên những tranh luận nảy lửa tương tự. Đa số khán giả đều cho rằng phim chưa xuất sắc đến mức có khả năng đi tranh Oscar, giá trị nghệ thuật của Bố Già là điều mà cư dân mạng đều không đánh giá cao.
Bố Già xoay quanh một xóm nghèo có bộ tứ nhiều chuyện Giàu - Sang - Phú - Quý, nhưng nhân vật chính là ông Ba Sang (Trấn Thành) và cậu con trai cứng đầu của mình tên là Quắn (Tuấn Trần). Dù hai ba con yêu thương nhau nhưng lại xảy ra nhiều bất đồng trong quan điểm, không thể thấu hiểu nhau vì chênh lệch thế hệ.