Loãng xương ở phụ nữ sau sinh và cách điều trị

Ngày 05/06/2023 08:16 AM (GMT+7)

Quá trình mang thai và sau khi sinh, rất nhiều phụ nữ cảm thấy nhức mỏi, rễ bị chuột rút… Loãng xương sau sinh là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng này.

1. Lý do dẫn đến loãng xương ở phụ nữ sau sinh

Loãng xương ở phụ nữ sau sinh đẻ có thể do các nguyên nhân:

- Sự thay đổi của hormone khi mang thai.

- Thai nhi cần rất nhiều canxi để phát triển bộ xương và lấy nguồn canxi từ người mẹ. Nếu chế độ dinh dưỡng của mẹ không đủ canxi sẽ dẫn đến loãng xương.

Khi mang thai và cho con bú, cơ thể người mẹ có sự tăng cường chuyển hóa canxi và vitamin D, nếu không đủ canxi và vitamin D sẽ dẫn đến loãng xương sau sinh.

Loãng xương ở phụ nữ sau sinh và cách điều trị - 1

Phụ nữ bị loãng xương thường có biểu hiện đau mỏi cơ, xương khớp và dễ bị chuột rút.

Biểu hiện loãng xương ở phụ nữ sau sinh dễ nhận thấy nhất là:

- Đau mỏi cơ, đau mỏi xương khớp tập trung chủ yếu ở vùng lưng, vai, bàn chân.

- Dễ bị chuột rút.

Để chẩn đoán loãng xương sau sinh cần phải đo mật độ xương bằng kỹ thuật DEXA. Thông thường các vị trí đo ở cột sống, hông, hoặc cổ tay. Mật độ xương càng cao thì xương càng chắc khỏe và nguy cơ gãy xương càng thấp.

2. Điều trị loãng xương sau sinh thế nào?

Tình trạng loãng xương ở phụ nữ sau sinh sẽ cải thiện nếu được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và sau khi ngừng cho con bú. Nhưng nếu tình trạng loãng xương sau sinh khiến người mẹ đau nhức, không có dấu hiệu thuyên giảm và làm ảnh hưởng đến chất lượng sống, thì nên sớm đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Việc sử dụng thuốc điều trị loãng xương cho phụ nữ sau sinh, đặc biệt là giai đoạn cho con bú là rất chặt chẽ. Các thuốc điều trị loãng xương như bisphosphonates được chỉ định rộng rãi trong điều trị loãng xương nhưng lại chống chỉ định với phụ nữ có thai và đang cho con bú.

Các thuốc khác như denosumab, strontium ranelate, deca durabolin và durabolin cũng là những thuốc điều trị loãng xương khi chống chỉ định với bisphosphonates, nhưng cũng không phù hợp với trường hợp loãng xương sau sinh.

Hoặc các thuốc tăng tạo xương như teriparatide, abaloparatide, romosozumab được chỉ định trong trường hợp loãng xương nghiêm trọng ở người mắc bệnh loãng xương, người cao tuổi, không phù hợp với tình trạng loãng xương ở phụ nữ sau sinh.

Như phân tích ở trên, một trong những lý do dẫn đến loãng xương sau sinh là do sự thay đổi hormone khi mang thai. Ở hầu hết phụ nữ sau sinh sẽ cân bằng trở lại hormone sau vài tháng. Nhưng có một số phụ nữ sau sinh, sẽ mất cân bằng hormone lâu dài và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Do đó liệu pháp hormone (hay còn gọi là liệu pháp thay thế estrogen) có thể được khuyên dùng cho phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương do thay đổi hormone (không dùng trong quá trình mang thai hoặc cho con bú).

Tuy nhiên, liệu pháp estrogen có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung... Do đó đối với phụ nữ sau sinh, không cho con bú hoặc bị loãng xương nặng sau sinh cũng cần cân nhắc giữa lợi ích và tác hại của liệu pháp này.

Phụ nữ sau sinh tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc điều trị. Cách tốt nhất để điều trị loãng xương là chăm sóc về dinh dưỡng, bổ sung canxi, vitamin D hoặc các vi chất, khoáng chất khác khi cần thiết (theo chỉ định của bác sĩ).

- Bổ sung canxi: Phụ nữ mang thai và cho con bú cần 1.000 mg mỗi ngày. Nguồn canxi có rất nhiều trong các nhóm thực phẩm. Do đó cách đơn giản và an toàn nhất là bổ sung canxi qua chế độ ăn hằng ngày.

Phụ nữ mang thai, sau sinh và cho con bú, nên tăng cường ăn các nhóm thực phẩm như rau (rau cải ngọt, rau dền…); cá, tôm, cua…; thịt nạc, đậu phụ; các loại hạt (hạnh nhân, vừng…), ngũ cốc, bột yến mạch, sữa và các chế phẩm từ sữa sữa tươi, sữa đậu nành, sữa công thức dành cho mẹ bầu…

Thuốc hoặc thực phẩm chức năng bổ sung canxi có thể được lựa chọn nếu chế độ ăn không cung cấp đầy đủ, hoặc cơ thể người mẹ chuyển hóa canxi không tốt qua chế độ ăn. Tuy nhiên việc bổ sung canxi dạng thuốc hoặc thực phẩm cần tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa hoặc dinh dưỡng.

- Bổ sung vitamin D: Vitamin D giúp tăng khả năng hấp thu canxi ở ruột. Lượng vitamin D cần thiết cho phụ nữ mang thai và cho con bú là 800UI/ ngày. Thực phẩm giàu giàu vitamin D như trứng, lươn, trai, nấm tươi… Nên tăng cường các loại thức ăn này trong quá trình mang thai, sau sinh.

Như chúng ta đã biết, ánh sáng mặt trời là nguồn năng lượng tốt nhất giúp tổng hợp vitamin D dưới da. Vì vậy, phụ nữ mang thai, sau sinh cần phơi nắng ở thời điểm thích hợp để giúp bổ sung vitamin D hiệu quả. Chỉ bổ sung vitamin D dạng thuốc khi bác sĩ chuyên khoa sản hoặc dinh dưỡng thấy thật sự cần thiết.

Việc tự ý bổ sung vitamin D và canxi có thể dẫn đến việc dư thừa các chất này gây bất lợi cho cả mẹ và bé.

Các thực phẩm giàu canxi nên được xây dựng trong chế độ ăn của phụ nữ mang thai và sau sinh.

Các thực phẩm giàu canxi nên được xây dựng trong chế độ ăn của phụ nữ mang thai và sau sinh.

3. Phòng ngừa loãng xương ở phụ nữ sau sinh

Để tránh loãng xương sau sinh, cần xây dựng chế độ dinh dưỡng một cách hợp lý qua các bữa ăn hằng ngày từ trước khi mang thai, trong suốt qua trình mang thai và sau khi sinh.

Ngoài ra phụ nữ cần:

Có chế độ vận động nhẹ nhàng phù hợp với thể trạng: Điều này giúp tăng sức bền, dẻo dai cho xương khớp. Các bộ môn thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga, bơi được khuyến khích trong thời gian mang thai. Tập thể dục nhẹ nhàng không những giúp phòng ngừa loãng xương mà còn giúp quá trình chuyển dạ, sinh nở thuận lợi hơn và giúp lấy lại vóc dáng sau sinh tốt hơn.Không làm việc quá sức, việc nặng trong thời gian mang thai và cho con bú.Tránh căng thẳng trong cuộc sống, cần bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý.Không hút thuốc, sử dụng chất kích thích, rượu bia…

Việc kết hợp chế độ dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên và có lối sống lành mạnh không chỉ giúp phòng ngừa loãng xương sau sinh mà còn giúp mẹ và bé có một thai kỳ khỏe mạnh.

Phòng ngừa và điều trị loãng xương sau sinh là việc làm rất cần thiết, đặc biệt với những trường hợp cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Vì khi đó lượng canxi trẻ hấp thụ được chủ yếu thông qua nguồn sữa mẹ. Nếu sữa mẹ không cung cấp đủ canxi thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển sau này của trẻ cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người mẹ.

Trót dại sinh con khi 17 tuổi, mẹ đơn thân trầm cảm nhập viện để con gái cho ông ngoại chăm
Vì làm mẹ khi còn quá trẻ lại bị trầm cảm nên người mẹ 17 tuổi này đã phải nhập viện tâm thần khiến con mới sinh ra phải chịu cảnh bơ vơ.

Trầm cảm sau sinh

Theo BS.Nguyễn Xuân Tuấn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chăm sóc cơ thể sau sinh