Một cái nhìn thực tế và những lời cảnh báo về chứng "nghiện" mua quần áo giá rẻ.
- Những cửa hàng Top shop, H&M nườm nượp khách trên các đại lộ mua sắm thênh thang ở châu Âu.
- Những đứa trẻ bệnh tật, dị dạng từng ngày nheo nhóc ở Ấn Độ.
- Các tín đồ thời trang xúng xính váy áo băng qua phố, các cô người mẫu catwalk lạnh lùng trên sàn diễn lấp loáng ánh đèn với cả rừng máy ảnh "chăm sóc"...
- Bệnh viện chật chội, những công nhân lấm lem thuốc nhuộm vải, dòng sông hấp hối bởi hóa chất đổ ra từ xưởng dệt, nhà máy may mặc...
Đó là chuỗi hình ảnh đối lập đến ngỡ ngàng rồi sau đó thật xót xa, từ trailer bộ phim tài liệu The True Cost, với thông điệp làm thức tỉnh nhiều người về chứng nghiện mua sắm. Và rằng, mua thời trang giá rẻ vô tội vạ có thể là nguyên nhân gián tiếp đẩy nhiều người vào chỗ chết.
Bộ phim có lẽ đã quá gay gắt, hoặc nghiêm trọng hóa vấn đề không khi mà muôn mặt của thời trang, của ngành công nghiệp dệt may đang làm giàu cho người dân và chính phủ nhiều nước nghèo, nước đang phát triển? Mỗi người sẽ tìm được cách nhìn nhận riêng nhưng The True Cost thực sự làm bộ phim nên xem vào ngày 29/5/2015.
Một cái nhìn khác bắt đầu từ việc chúng ta luôn sắm quần áo theo ý thích, mua mỗi ngày và mua thật nhiều, và giá càng rẻ thì càng tốt. Thế nhưng, đằng sau những món đồ giá rẻ là sự bất công với những người trồng bông, dệt, nhuộm vải, thợ may... chúng ta mua sắm nhiều nhưng lại trả rất ít cho người làm ra nó.
The True Cost đưa ra bằng chứng về cuộc sống của những người làm ra các sản phẩm quần áo giá rẻ. Phần lớn hình ảnh từ Ấn Độ, Haiti và Bangladesh cho thấy ngay từ khâu đầu tiên của một sản phẩm là trồng bông thì nhiều trẻ em đã lãnh hậu quả do thuốc trừ sâu để bảo vệ những cây bông vải.
Poster của bộ phim tài liệu The True Cost
Đạo diễn Andrew Morgan nảy ra ý tưởng cho bộ phim từ một bức ảnh về đứa trẻ đi tìm người thân trong đống đổ nát, bức ảnh đã dẫn ông tìm ra câu chuyện khiến chúng ta giật mình này.
Vị đạo diễn tìm ra những số liệu mô tả về sự đối lập "giết người" khi cả thế giới chạy theo thời trang giá rẻ: Mỗi chúng ta có lẽ đã bỏ đi khoảng gần 40 kg quần áo mỗi năm và chỉ phần nhỏ được tái sử dụng qua quyên góp đồ cũ, phần còn lại trở thành rác. Mỗi năm, ước tính có tới 80 tỷ sản phẩm thời trang được bán ra trên toàn thế giới, và hàng triệu người vẫn tiếp tục mua sắm điên cuồng, chẳng vì thiếu, chẳng vì rét mà chỉ vì thỏa mãn bản thân và chúng rất rẻ...
Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người tiêu dùng toàn cầu trong bi kịch của những người làm việc trong ngành dệt may. Tuy vây, đã đến lúc nhìn lại xem đó là thời trang, là nhu yếu phẩm hay còn là lãng phí và lãng phí nữa? Bạn mua chiếc áo thun với giá 5 đô là, quần jeans 20 đô la... thì khác gì "bóc lột" công lao động của người làm ra chúng.
Đạo diễn Andrew Morgan nói rằng đã đến lúc "cai nghiện" mua sắm mà hãy mua ít đi, mua món đồ thật cần và thật yêu thích.
Hình ảnh những người công nhân may trong phim
Trong một nhà máy sản xuất vải ở Nam Á
Núi rác thải từ ngành công nghiệp dệt may ở Bangladesh.