Khi trở về nhà mỗi ngày, Wu Junhui vội thả ba con vẹt ra khỏi lồng, gọi tên và ngắm thú cưng bay đến đậu trên tay.
Wu, 25 tuổi, ở Thành Đô ví những con chim của mình như ''những con chó biết bay'', nhưng không phải dắt đi dạo hàng ngày.
Từng là một người yêu mèo và nuôi tới bốn con. Nhưng từ khi gửi mèo sang nhà em gái và chăm giúp chim cho một người bạn, anh quyết định chuyển đổi. "Nhà tôi chưa bao giờ sạch sẽ đến thế'', Wu nói.
Ở Trung Quốc, nghề nuôi chim có truyền thống gắn liền với các thế hệ lớn tuổi. Nhưng gần đây, ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc bắt đầu nuôi chim như thú cưng vì chi phí chăm sóc thấp và không tốn nhiều công. Vẹt đuôi dài và vẹt mào là loài chim cảnh được ưa chuộng nhất.
Số lượt tìm kiếm "thú cưng kỳ lạ" trên trang thương mại điện tử Taobao đã tăng 5 triệu trong 9 tháng đầu năm 2022 và đứng thứ hai trong danh sách "xu hướng mới được người tiêu dùng quan tâm" năm 2023.
Theo báo cáo năm 2023 của Viện nghiên cứu thú cưng châu Á, chim chiếm 41% thị trường thú cưng ngoại lai, chỉ đứng sau các loài động vật có vú nhỏ như thỏ và chuột đồng.
Chi phí là một yếu tố tạo nên xu hướng. Trên Taobao, một con vẹt đuôi dài nhỏ có giá chỉ 40 tệ (138.000 đồng) và còn rẻ hơn khi mua ở các chợ. Trên sàn giao dịch đồ cũ Xianyu, rất dễ tìm thấy những con vẹt nhà được bán với giá từ hàng chục đến hàng trăm tệ.
Angelina Ye, người sáng lập nền tảng cứu hộ vẹt Birdlove cho biết, một trong những lý do khiến giá thấp là do không có quy định rõ ràng về chim thuần hóa. Tiền thức ăn cho chim cũng tương đối rẻ.
Wu mua con vẹt đầu tiên với giá 150 tệ (500.000 đồng) và sau đó mua thêm hai con với giá 800 và 1.500 tệ. Những chiếc lồng giá 200-400 tệ, và các loại đồ chơi dành cho chim khác nhau có giá khoảng 100 tệ mỗi chiếc. Anh từng chi 1.500 tệ cho bốn con mèo trong ba tháng, nhưng nếu nuôi cũng ba con chim trong cùng thời gian chỉ tốn chưa đầy 20 tệ.
Chim cũng mang lại cảm giác dễ chịu cho Wu. ''Nếu tôi thả ra, chúng luôn ở quanh tôi. Chúng đứng trên vai hoặc ngực khi tôi xem TV và nếu tôi thấy hơi chán nản, tôi sẽ vuốt lông chúng. Điều đó làm tôi vui hơn'', anh kể.
Những chú chim vẹt được nuôi làm thú cưng ở nhà Wu, ngày 18/1/2024. Ảnh: Sixthtone
Tuy nhiên, những người nuôi chim cũng phải đối mặt với những thách thức đặc biệt. Chim dễ mắc bệnh và khó trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc chuyên biệt và khan hiếm bác sĩ thú y chuyên điều trị cho chim, đặc biệt ở các vùng ngoại ô thành phố lớn.
Vì kích thước nhỏ và khả năng trao đổi chất nhanh nên vẹt rất dễ mắc bệnh. Ví dụ đầu năm nay, Wu tặng bạn một trong những con vẹt của mình. Con chim bị bệnh và chết sau ba ngày. "Tôi nghĩ con chim buồn vì vắng tôi. Sự việc xảy ra nhanh đến nỗi không có thời gian để chữa trị'', anh nói.
Sun Huicong, giáo viên mầm non 26 tuổi ở thành phố Phật Sơn có một chú vẹt bị nhiễm nấm khi mới một tháng tuổi. Facai, tên chú chim khó khăn khi đẻ trứng và ca phẫu thuật lấy trứng tốn gần 1.200 tệ.
Đưa chim đi bác sĩ, Sun phải nghỉ làm nhiều ngày và mất 90 phút lái xe để tới bệnh viện thú y ở Quảng Châu. Chỉ trong tháng 8 năm ngoái, cô bốn lần đến bệnh viện thú y. "Chi phí điều trị không nhiều nhưng lại có chi phí phát sinh lớn như đi lại, nghỉ làm nên thành ra đắt đỏ'', cô nói.
Theo báo cáo năm 2023 từ nền tảng cơ sở dữ liệu thú cưng PetHadoop, các động vật lạ, được phân loại là bất kỳ động vật nào không phải mèo hoặc chó, chỉ chiếm 2,2% số ca phẫu thuật cho thú cưng và nguồn lực y tế chỉ có ở các thành phố lớn. Bắc Kinh có khoảng 15 bệnh viện thú y tiếp nhận chim, nhưng chỉ có một bệnh viện ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc.
Sun sống với bố mẹ và em gái. Gia đình cô đồng thuận việc nuôi chim làm thú cưng. Tuy nhiên, khi một con vẹt bị ốm, cô đã đưa nó đến bệnh viện thú y mà không báo cho bố mẹ biết. "Bố tôi sẽ nghĩ rằng chi phí cho bác sĩ thú y là quá tốn kém, trong khi mọi người thường cho rằng chim có thể sống sót chỉ với một ít hạt kê", cô kể.
Bất chấp tất cả những khó khăn phải trải qua để điều trị cho những chú vẹt, cô rất biết ơn vì tất cả chúng đều bình phục. Đó không phải là điều mà tất cả những người yêu chim đều có thể làm được.
Cũng vì chi phí đắt đỏ, theo Ye, người sáng lập Birdlove, nhiều người nuôi chữa bệnh cho chim từ lời khuyên trên Internet hoặc truyền miệng.
"Chất lượng tổng thể của việc nuôi chim rất thấp vì nhiều người không coi trọng nó. Một số người còn cho chim ăn một lượng nhỏ cát vì tin rằng nó sẽ hỗ trợ tiêu hóa trong khi trên thực tế, nó có thể dẫn đến bệnh tật'', Ye kể.
Ngoài việc cứu những chú chim trốn thoát về tự nhiên, Birdlove còn cố gắng quảng bá kiến thức khoa học về nuôi chim, bao gồm cả việc đăng tải thông tin lên mạng xã hội. Những người muốn tham gia Birdlove phải hoàn thành bảng câu hỏi về cách chăm sóc chung. Ye cho biết tỷ lệ trung bình chỉ 2 trong số 10 người vượt qua kỳ thi.