Chợ Âm Dương ở Bắc Ninh diễn ra vào đêm mùng 4 Tết với nét đặc trưng hiếm có: khách mua không mặc cả, người bán cũng không thách giá. Trong màn đêm mờ ảo, chỉ thấy bóng người di chuyển và những tiếng thì thào khe khẽ.
Phiên chợ tại làng Ó (nay là làng Xuân Ổ, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh) nổi tiếng với một loại hàng hóa đặc biệt: gà đen - biểu tượng của sự huyền bí và tâm linh. Chỉ những ai thực sự may mắn mới có thể chọn được một con gà mang về sau phiên chợ. Năm nay, khoảng 400 con gà đen đã được chuẩn bị để giao dịch.
Theo truyền thuyết, nơi đây có một cánh cửa mang tên "cửa Âm Phủ". Cánh cửa này chỉ mở một lần duy nhất vào đêm mùng 4 tháng Giêng để các linh hồn lên chợ tìm gặp người thân. Khi gà gáy canh 5 vào rạng sáng hôm sau, cửa sẽ khép lại.
Tư liệu lịch sử ghi nhận rằng chợ Âm Dương có từ năm Nhâm Dần 43 sau Công nguyên và chỉ họp vào đêm mùng 4, kết thúc vào rạng sáng ngày mùng 5 tháng Giêng. Chợ được tổ chức nhằm tạo cơ hội để người sống và người đã khuất có thể gặp gỡ nhau.
Chợ được hình thành trên khu đất Bãi Hồ, một bãi cát giữa vùng hồ Lãng Bạc xưa, nơi từng diễn ra cuộc chiến giữa nghĩa quân Hai Bà Trưng và quân Mã Viện vào năm 40 sau Công nguyên. Cuộc chiến khốc liệt đã khiến nhiều binh sĩ hy sinh. Sau này, giữa chợ được dựng một kỳ đài để thờ cúng linh hồn những người đã ngã xuống, thể hiện sự tri ân đối với nghĩa quân Hai Bà Trưng.
Người dân tin rằng, trong dòng người đến chợ có cả những linh hồn của tổ tiên, người thân trở về tìm gặp gia đình. Đi chợ Âm Dương cũng là một cách để xoa dịu nỗi nhớ thương và an ủi nhau trong dịp đầu năm mới.
Chợ không sử dụng đèn điện, chỉ có ánh sáng mờ ảo từ những ngọn nến nhỏ. Người đi chợ cũng không nói cười lớn tiếng, tránh làm kinh động đến những linh hồn và giữ được sự trang nghiêm của không gian linh thiêng.
Tục bán gà đen tại chợ mang ý nghĩa giúp gia chủ hóa giải vận rủi. Những con gà đen tuyền, được nuôi suốt cả năm, sẽ hứng chịu mọi điều xui xẻo thay cho chủ nhân. Người bán không giết thịt gà vào ngày lễ để tránh tự rước vận xui vào mình. Nếu không bán được, họ sẽ phóng sinh gà vào sáng hôm sau.
Người mua gà về sẽ thực hiện nghi lễ cắt tiết, hắt máu ra cổng thành theo hình vòng cung để xua đuổi tà ma, với người làng Ó, nghi lễ này được tiến hành vào sáng mùng 8 tháng Giêng.
Nhiều người đến chợ từ khi trời nhá nhem tối, xếp hàng để mua gà đen với mong muốn cầu may cho gia đình. Khi biết đến phiên chợ độc đáo này qua báo chí, không ít người đã quyết tâm mua bằng được gà đen đầu năm.
Ai đến chợ cũng mang theo một bó vàng mã. Sau khi thắp hương khấn vái, họ hóa vàng ở cuối chợ, coi như gửi tiền cho người thân ở thế giới bên kia. Người ta tin rằng vào khoảnh khắc đó, vong linh tổ tiên ở rất gần và sẽ nhận được những lễ vật được gửi đi.
Khung cảnh chợ hiu hắt, không gian tối đen như mực. Duy chỉ có ánh nến lập lòe dẫn lối cho người mua kẻ bán. Hàng hóa bày bán chủ yếu là vàng mã, hương để cúng tế, cùng với một số mặt hàng khác như rượu, trầu cau, muối và hoa quả (đu đủ, táo…).
Chợ Âm Dương mang đậm nét văn hóa dân gian của vùng Kinh Bắc. Hằng năm, vào dịp đầu xuân, người dân đến chợ không chỉ để cầu may mà còn mong xóa bỏ những phiền muộn, xui rủi trong cuộc sống.
Tuy nhiên, theo thời gian, phiên chợ này đã dần mai một. Nhằm bảo tồn nét đẹp truyền thống, UBND TP Bắc Ninh đã phục dựng chợ Âm Dương vào năm 2022. Đến năm 2023, phiên chợ tiếp tục được tổ chức với quy mô mở rộng hơn. Năm 2025, phiên chợ sẽ bước sang lần tổ chức thứ tư, tiếp tục gìn giữ giá trị tâm linh và văn hóa đặc sắc của địa phương.