Theo phong tục truyền thống của người Việt, mâm cúng Rằm tháng Chạp rất quan trọng để cúng lễ các vị thần linh và tổ tiên, cầu điều may mắn và thành công nên phải chuẩn bị thật đầy đủ và thành tâm.
I. Gợi ý chuẩn bị mâm cúng rằm tháng Chạp cầu bình an, tài lộc
Tùy thuộc vào tập tục của mỗi địa phương, mâm lễ cúng rằm tháng Chạp sẽ có những yêu cầu khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, có 2 loại mâm lễ chay và mâm cỗ mặn được chuẩn bị theo từng điều kiện, quan điểm và tín ngưỡng.
1. Mâm cỗ chay cúng rằm tháng Chạp
Đồ lễ là để dâng lên thần linh và gia tiên nên chỉ cần thành tâm thành ý, thể hiện sự trân trọng của gia chủ là đủ.
- Đơn giản nhất là cúng lễ chay bao gồm: trầu cau, hoa quả, hoa tươi, hương đèn, nước sạch và nến.
- Các loại hoa quả gia chủ có thể cúng bao gồm: Phật thủ, táo, cam, dưa hấu, chuối,...
- Các loại hoa thường dùng là: hoa cúc, hoa hồng, hoa sen,...
2. Mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Chạp
- Một số gia đình muốn chuẩn bị mâm cúng rằm tươm tất hơn thì có thể chuẩn bị thêm lễ mặn như: bánh chưng, thịt gà luộc, xôi, nem rán hoặc giò chả...
- Ở một số vùng miền, mâm cỗ còn có: bát canh măng nấu cùng xương heo, mọc hoặc canh bóng bì.
II. Cách làm món mặn mâm cúng rằm tháng Chạp cầu bình an, tài lộc
1. Gà luộc
Theo triết học Phương Đông, gà trống là linh vật mang 5 đức tính tốt đẹp mà con người cần hướng tới là Văn - Võ - Dũng - Trí - Nhân nên thường được chọn để làm lễ cúng.
- Cách luộc gà:
+ Chọn gà trống vừa tầm 2,5kg. Làm sạch bằng cách xát muối và chanh thật kỹ vào phần da.
+ Cho gà vào nồi đủ rộng, thêm 2 thìa gia vị và 2-3 củ hành khô nướng rồi đổ nước ngập gà.
+ Khi nước sôi lăn tăn thì mở vung trong 10 phút
+ Tắt bếp và ngâm gà trong nồi 20-30 phút để gà chín đều mà thịt không bị đỏ và nứt da.
2. Xôi gấc
Xôi gấc có màu đỏ - là màu sắc tượng trưng cho may mắn.
- Cách nấu xôi gấc:
+ Vo sạch gạo nếp và ngâm gạo khoảng 6 tiếng.
+ Xả sạch nước để ráo.
+ Gấc gỡ lấy thịt, trộn đều với gạo đã chuẩn bị và thêm chút muối hạt.
+ Cho gạo đã trộn gấc lên xửng và hấp trong 30 phút.
+ Xới tơi xôi lên, trộn thêm 3 thìa dầu ăn rồi hấp tiếp 10-15 phút cho xôi mềm và bóng.
+ Gỡ xôi ra khỏi xửng hấp, đợi bớt hơi nóng thì cho thêm đường vào trộn đều.
+ Cuối cùng cho xôi ra đĩa hoặc đóng khuôn theo ý muốn.
3. Canh măng sườn hoặc móng giò
Đây là món canh không thể thiếu trong mâm cỗ của những ngày giáp tết.
- Cách nấu canh măng:
+ Măng khô ngâm qua đêm cho nở.
+ Luộc măng cùng ớt cay và chút muối nhiều lần cho bớt độc tố và giúp măng giòn hơn.
+ Phi hành khô thật thơm rồi xào sơ qua với măng và gia vị.
+ Sườn/Móng giò sơ chế sạch rồi ướp chút mắm và gia vị cho ngấm,
+ Bật bếp và đảo nhanh tay rồi đổ ngập nước để ninh sườn/móng giò trong 30 phút, vớt bọt trong lúc đun.
+ Cho măng đã chuẩn bị vào nồi, nêm lại gia vị cho vừa và thêm hành, mùi rồi múc canh ra bát.
4. Giò lụa và thịt xào
1 khoanh giò nhỏ có thể thay thế món thịt heo nhanh chóng mà vẫn kết hợp hìa hòa cùng với xôi và bánh chưng. Để làm món mặn, gia chủ có thể sử dụng các loại thịt heo, thịt bò hay thịt bê xào lăn.
- Cách làm món thịt bò xào lăn:
+ Thịt bò ướp với sả băm nhỏ và chút mắm, gia vị.
+ Ớt chuông chọn nhiều màu xanh đỏ vàng cho đẹp mắt, cắt miếng vừa ăn.
+ Phi thơm hành khô rồi đảo thịt nhanh tay cùng ớt.
Thịt bò nhanh chín nên xào quá lâu sẽ bị ra nước và dai.
5. Thịt đông
Là món ăn luôn được chuẩn bị trước, rất ngon và đầy đủ ý nghĩa cho mâm cúng rằm tháng Chạp.
- Cách làm thịt đông:
+ Thịt chân giò bỏ xương, để nguyên da để có độ keo, thái miếng vừa ăn
+ Mộc nhĩ ngâm nở rồi rửa thật sạch, hành khô băm nhỏ.
+ Chần thịt qua nước sôi để sau nước keo sẽ trong rồi ướp cùng hành khô, nước mắm và gia vị.
+ Đảo thịt cho săn rồi cho nước vào, đun nhỏ lửa khoảng 2 tiếng.
+ Nêm lại gia vị cho vừa miệng rồi mới thêm mộc nhĩ vào, đảo đều để giữ độ giòn và không bị nát. Đun thêm khoảng 15 phút.
+ Múc ra bát để nguội.
6. Món rau
Rau củ luộc là món ăn giúp mâm cỗ hoàn thiện nhanh chóng lại có màu sắc bắt mắt.
III. Cách làm món chay mâm cúng rằm tháng Chạp cầu năm mới thuận hòa
1. Giò chay
- Ngâm váng đậu với nước ấm 30 độ cho mềm.
- Vớt ra rửa sạch, thái nhỏ.
- Cho váng đậu vào một nồi khác, đổ ngập nước và đun sôi trong vòng 20 phút
- Vớt ra để ráo nước.
- Tỏi tây rửa sạch, thái nhỏ, cho vào chảo nóng phi thơm rồi đổ váng đậu đã nấu, thêm đường và muối vào xào trên lửa nhỏ khoảng 5 phút
- Để hỗn hợp trong chảo khoảng 15 phút để ngấm gia vị.
- Cho váng đậu vào vải và vắt kiệt nước
- Nêm hạt nêm và nước mắm, trộn đều sao cho vừa ăn.
- Bó chặt váng đậu bằng lá chuối
- Cho vào nồi nước luộc khoảng 1 tiếng.
- Vớt ra để nguội.
2. Xôi dừa
- Vo gạo rồi cho vào ngâm 6 tiếng với nước dừa.
- Rửa sạch gạo và trộn với một chút muối rồi để khô.
- Khi gạo khô, trộn một chút dầu ăn rồi đem đi đồ.
- Trộn đều đường vào với sợi dừa.
- Rửa sạch vừng, rang và giã nhỏ.
- Khi xôi chín, rưới đều nước cốt dừa lên bề mặt xôi rồi phủ kín sợi dừa sợi lên trên, đậy vung kín, đồ tiếp khoảng 5 phút.
- Sau đó, đổ xôi ra khay lớn, dùng đũa trộn đều để dừa lẫn vào xôi và để xôi nguội đến khi không còn thấy khói bốc lên nữa.
- Cho vừng vào trộn đều.
- Đóng xôi ra khuôn cho đẹp mắt
3. Thịt gà chay
- Đổ bột mì và bột năng vào bát tô, khuấy đều với nước ấm (giống như bột bánh ít) rồi dùng vải đậy lại.
- Mì căn cắt từng khúc dài khoảng 3cm rồi đem xé nhỏ.
- Nấm rơm ngâm rửa sạch, ngâm mềm, thái nhỏ rồi vắt ráo nước.
- Mộc nhĩ ngâm với nước ấm cho mềm rồi cắt chân, rửa sạch, thái chỉ.
- Mì ống đem chiên giòn để làm xương.
- Cho mì căn, mộc nhĩ, nấm hương vào xào chín, nêm gia vị vừa ăn.
- Bột mì ngắt thành từng viên nhỏ bằng ngón tay cái, ấn dẹt ra, cho nhân vào giữa rồi lấy mì ống chiên giòn kẹp vào giữa để làm xương đùi, gói lại cho kín nhân.
- Chiên vàng miếng bột.
4. Miến xào chay
- Miến rửa sạch, ngâm nước lạnh trong 30 phút cho mềm
- Nấm rơm rửa sạch, ngâm muối trong 5 phút.
- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt lát hoặc cắt sợi.
- Đậu que bỏ đầu đuôi, tước xơ, cắt đôi.
- Đậu hũ chiên vàng, cắt thành miếng dọc, nhỏ.
- Phi thơm hành, cho cà rốt, đậu que, súp lơ vào xào qua.
- Cho nấm rơm, đậu hũ vào xào vừa mềm và nêm một chút muối ăn.
- Khi các hỗn hợp thấm gia vị, đổ miến đã ráo nước vào, đảo nhẹ tay để miến không bị nát và thấm gia vị.
- Món ăn chín tới thì cho ra đĩa và rắc thêm tiêu, ớt, hành ngò cho đẹp mắt.
5. Canh nấm chay
Canh nấm chay có vị ngọt tự nhiên từ rau củ, nấm, vị bùi bùi của hạt sen thơm ngon và bổ dưỡng.
- Đun nóng 1 thìa dầu đậu rồi cho hành khô vào phi thơm.
- Cho cà rốt, hoa lơ, bí đỏ, nấm hương tươi vào đảo vài lượt.
- Cho nước vừa đủ ăn và đun sôi canh
- Khi các nguyên liệu gần chín thì cho hạt sen, nấm linh chi nâu, nấm tuyết vào đun sôi
- Nêm gia vị cho vừa ăn thì tắt bếp.
- Múc canh nấm chay ra bát và cho rau mùi lên trang trí cho đẹp mắt.