7 điều không nên nói nơi công sở

Ngày 07/05/2019 14:00 PM (GMT+7)

Có một số điều bạn nên tránh thảo luận tại nơi làm việc vì bàn tán những chủ đề này có thể khiến đồng nghiệp khó chịu hoặc ảnh hưởng đến cách nhìn của họ về bạn và khả năng thực hiện công việc của bạn. Hãy cùng tham khảo 7 điều sau đây để tránh mắc phải nhé.

Tìm việc làm uy tín được cập nhật mới nhất tại careerlink.vn

Bạn rất ghét công việc trước đây của mình

Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng Careerlink.vn chia sẻ, ngay cả khi bạn có trải nghiệm thực sự khủng khiếp trong công việc trước đây thì bạn vẫn nên nói về người quản lý cũ với một thái độ tích cực. Nếu bạn nói rằng bạn ghét công việc trước đây rất nhiều thì điều này chỉ cho thấy bạn là người không chịu trách nhiệm về hành động của mình. Đó là dấu hiệu của sự non nớt, thiếu trưởng thành khi bạn không chia sẻ được những gì đã học được mà chỉ đổ lỗi cho người khác.

7 điều không nên nói nơi công sở - 1

Chỉ trích các chiến lược của công ty

Đừng nên phê phán các chiến lược hay quyết định kinh doanh của công ty vì biết đâu một ngày nào đó bạn sẽ được thăng tiến lên vị trí mới – mà ở đó bạn cần phải “vận động” các nhân viên khác ủng hộ các hướng đi của công ty. Khi đó bạn sẽ bị mắc kẹt giữa hai lựa chọn: có nên tiếp tục “trung thành” với những lời phàn nàn hay hoàn toàn đi theo quan điểm của công ty? Cả hai đều không phải là lựa chọn đúng đắn. Thay vào đó, điều tốt nhất là thành thật với quan điểm của bạn và thể hiện chúng theo cách thúc đẩy doanh nghiệp tiến lên ở bất cứ vị trí nào bạn đang đảm nhận.

Các vấn đề về gia đình

Thảo luận về những vấn đề bạn đang gặp phải với các thành viên trong gia đình có thể khiến những người khác, bao gồm cả sếp của bạn, tự hỏi liệu những khó khăn này có làm bạn mất tập trung khi làm việc không. Ngay cả khi bạn biết những vấn đề này sẽ không ảnh hưởng đến công việc của bạn, thì họ cũng không cho là như thế.

Ở vị trí quản lý, nếu bạn tiết lộ những vấn đề này, cấp dưới của bạn có thể coi đây là điểm yếu mà họ có thể khai thác. Điều này có thể làm giảm uy quyền của bạn. Ngoài ra, nó còn khiến bạn trở thành chủ đề bàn tán ở nơi làm việc.

Khát vọng nghề nghiệp của bạn

Không có gì sai khi xem công việc hiện tại của bạn là bước đệm cho những điều lớn hơn và tốt hơn trong tương lai, nhưng hãy giữ những ý nghĩ đó cho chính mình. Nói về tham vọng của bạn, dù là vì lý do chính đáng, sẽ khiến sếp đặt câu hỏi về lòng trung thành của bạn và khiến một số đồng nghiệp khó chịu với bạn. Nếu bạn quan tâm đến việc thăng tiến trong tổ chức hiện tại, hãy làm tốt công việc của bạn, và tất nhiên, hãy cho sếp của bạn biết bạn muốn được đảm nhận trách nhiệm cao hơn.

7 điều không nên nói nơi công sở - 2

Từ chối hỗ trợ

Có thể bạn cho rằng giúp đỡ khi được yêu cầu sẽ khiến bạn không có đủ thời gian cho công việc của chính mình. Điều này hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, hãy là người có tinh thần đồng đội, hỗ trợ hết mình khi bạn có thể bởi vì biết đâu sau này bạn sẽ cần đến sự trợ giúp của người khác.

Không thích một đồng nghiệp nào đó

Đừng chê bai ai đó mà bạn làm việc cùng, lan truyền các tin đồn xấu hay hiệu suất làm việc thấp của họ. Không ai thích một người xấu tính nơi công sở. Đừng so sánh bản thân với đồng nghiệp. Điều tốt nhất bạn nên nói về đồng nghiệp là những lời khen ngợi và bày tỏ sự đánh giá cao.

Cho rằng đó không phải là lỗi của bạn

Khi sếp phàn nàn về công việc của bạn hoặc một dự án mà bạn tham gia, không nên từ chối nhận trách nhiệm. Việc bạn tỏ ra “phòng thủ” hoặc khăng khăng nói đó là lỗi của người khác cũng giống như bạn đang “tấn công” các đồng đội của mình. Điều này khiến bạn trông có vẻ thiếu trưởng thành và cho sếp thấy rằng bạn không lắng nghe họ và không thích nhận những lời góp ý thẳng thắn.    

Cuối cùng hãy nhớ rằng, xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp là điều nên làm nhưng đừng dùng “câu chuyện làm quà”, nói năng vô tội vạ, thiếu suy nghĩ. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh chuyên nghiệp của bạn trong công việc.

Huỳnh Trâm.
Nguồn: [Tên nguồn].