Từ ngày 1 đến 15 tháng Giêng, người Trung Quốc đặt ra rất nhiều quy định để tránh một năm đen đủi. Với người Trung Quốc, Tết Nguyên đán không chỉ là dịp đoàn viên dài ngày mà còn là ngày lễ truyền thống quan trọng nhất.
Trong 2 tuần này, người Trung Quốc tránh những điều sau đây:
Tiếng khóc con trẻ: Người Trung Quốc cho rằng tiếng khóc của trẻ con là báo hiệu điềm gở trong gia đình. Họ cố gắng để trẻ con không khóc trong những ngày này.
Vỡ đồ đạc: Với văn hóa Trung Quốc, vỡ đồ đạc đồng nghĩa với tán gia bại sản, của cải thất bát. Thương gia, người buôn bán đặc biệt cẩn thận với những đồ đạc sử dụng để tránh làm vỡ.
Đến bệnh viện: Đi khám bệnh những ngày này sẽ khiến cả năm “giông” và họ sẽ phải đi bác sĩ cả năm đó. Do vậy, việc đi viện được tránh tối đa trừ trường hợp cấp cứu.
Mất tiền: Cẩn thận không để kẻ gian trộm đồ trong dịp Tết Nguyên đán vì người Trung Quốc sợ rằng tài sản sẽ bị tẩu tán trong năm mới.
Tránh nợ nần: Không nên cho vay tiền trong dịp năm mới. Mọi món nợ phải được trả đủ trước giao thừa. Người nào không làm những điều này thì cả năm mới sẽ gặp điềm gở về tiền bạc.
Hũ gạo luôn đầy: Không được phép để hũ gạo trong nhà trống trơn. Điều này đồng nghĩa nghèo đói, kém ăn và là điềm rủi trong năm mới.
Quần áo rách: Không mặc quần áo rách. Trẻ em nếu mặc quần áo rách sẽ được coi là mang tới vận rủi.
Người Hongkong đến thăm chùa và thắp hương dịp đầu năm mới.
Không sát sinh: Sát sinh trong năm mới cần phải tránh để năm mới không dính vào máu me hoặc thảm họa.
Quần áo trắng đen: Không mặc quần áo hai màu này vì đây là màu tang tóc.
Mừng năm mới: Theo truyền thống, người dân Trung Quốc phải thức khuya đón giao thừa, chào năm mới, đốt lửa để xua đuổi ma quỷ không đến nhà.
Không gội đầu: Tiếng Trung Quốc từ “tóc” là “phát”, cùng âm đọc với “phát tài”. Nếu gội đầu đồng nghĩa với “gột sạch tiền tài”.
Không tặng quà: Những món quà như dao kéo, đồng hồ, trái lê đều có những ý nghĩa riêng và không được tặng nó trong ngày này.