Đến cuối buổi sáng (22/7), ngành chức năng vẫn chưa thể đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B.
Liên quan đến vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B, sáng nay 22/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tể Trung ương, Trưởng Ban quản lý Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia làm trưởng đoàn cùng đại diện Viện Pasteur Nha Trang trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng và Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).
Theo đó, đoàn công tác trực tiếp tìm hiểu quy trình cấp, bảo quản và sử dụng vắc-xin; làm việc với các y, bác sỹ trực tiếp cấp phát thuốc và tiêm phòng cho trẻ; rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm chủng. Đồng thời, đoàn cũng tiếp cận hồ sơ điều tra của công an và phỏng vấn các sản phụ có trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin trước khi trình Hội đồng khoa học để có kết luận cuối cùng về nguyên nhân dẫn đến tử vong của ba trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa.
Các cán bộ Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cùng các cơ quan chức năng liên quan tiếp cận hồ sơ về quy trình nhập, bảo quản và sử dụng vắc xin tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa
Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, đến thời điểm này chưa thể kết luận chính xác nguyên nhân dẫn đến ba trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc-xin phòng viêm gan B. Trước mắt có thể khu biệt một số nguyên nhân trực tiếp, đó là: chất lượng vắc-xin, quy trình tiêm chủng và bệnh cận lâm sàng nguyên gốc của trẻ...
Đoàn công tác của Viện sẽ chia làm 3 nhóm: một nhóm tiếp cận hồ sơ toàn bộ về quy trình nhập, bảo quản và sử dụng vắc-xin tại bệnh viện; nhóm khác sẽ gặp các bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho trẻ từ khi sinh ra đến khi tử vong; nhóm còn lại sẽ rà soát toàn bộ quy trình tiêm chủng, tiêm thế nào, tiêm ra sao, ai tiêm và phỏng vấn các sản phụ.
GS.TS Nguyễn Trần Hiển: “Đến thời điểm này chưa thể kết luận chính xác nguyên nhân dẫn đến ba trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc-xin phòng viêm gan B”
Báo cáo với đoàn công tác, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị Trần Văn Thành cho biết: Số vắc-xin V- GB 020812E và V- GB 030812E này do Công ty Vắc-xin sinh phẩm số 1 cung cấp, ngoài việc cung cấp cho tỉnh Quảng Trị, công ty này còn cung cấp cho nhiều địa phương trong cả nước. Thế nên, Bộ Y tế đã có thông báo tạm ngừng tiêm hai lô vắc xin phòng viêm gan B trên cho trẻ sơ sinh trên toàn quốc do đơn vị này cung cấp. Các lô vắc-xin phòng viêm gan B khác vẫn sử dụng.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị Nguyễn Xuân Tường cho biết, quy trình nhận, bảo quản hai lô vắc-xin phòng viêm gan B từ Viện Pasteur Nha Trang chuyển cấp các vắc-xin cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị bằng xe chuyên chở vắc-xin chuyên dụng của chương trình. Quy trình giao nhận vắc xin được thực hiện nghiêm túc. Vắc-xin được bảo quản ở kho lạnh, nhiệt độ được theo dõi và cập nhật thường xuyên theo quy định của chương trình quốc gia. Vắc-xin cấp cho các trung tâm y tế và các bệnh viện tuyến tỉnh hàng tháng, được bảo quản ở nhiệt độ trong các côn bốc, nhận nhập vào kho lạnh của trung tâm. Còn ở Bệnh viện Hướng Hóa, ngoài việc giám sát, kiểm tra thường xuyên của trung tâm y tế huyện còn có sự giám sát đột xuất của tuyến tỉnh và khu vực.
Tủ lạnh quản vắc-xin bị mất điện 2 giờ Theo thông tin của phóng viên, tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa vào sáng 20/7 xảy ra mất điện từ lúc 5h đến hơn 7h. Trong thời gian đó, vắc-xin được bảo quản ở tủ lạnh không có điện. Liệu việc tủ lạnh bảo quản vắc-xin bị mất điện hơn 2 giờ đồng hồ có ảnh hưởng đến chất lượng vắc-xin? Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), bác sĩ Nguyễn Văn Thiện nói rằng bệnh viện có một máy phát điện mini nhưng sáng hôm ấy đã không sử dụng. Vắc-xin chích ngừa cho trẻ được bảo quản trong tủ lạnh. Tính từ thời điểm mất điện đến lúc tiêm cho các bé là 2 giờ 30 phút, ông Thiện cho rằng việc cắt điện không thể ảnh hưởng đến chất lượng của vắc-xin. Trước đó, vào ngày 19/7, có một trẻ sơ sinh được tiêm vắc-xin này, người nhà của trẻ là chị Nguyễn Thị Hòa (trú tại khóm 2, TT. Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) cho biết, cháu khỏe mạnh và bình thường. Đến ngày 20/7, trong số 3 liều vắc-xin được tiêm cho 3 trẻ sơ sinh, có một liều còn lại cùng lô với liều vắc -xin đã tiêm cho trẻ vào ngày 19/7 ở trên, thế nhưng cả 3 trẻ sau khi tiêm đều tử vong ngay sau đó. |