TS Tâm khẳng định, một số thông tin cho rằng chị N. bị trầm cảm sau sinh là không đúng. Vì con trai út của chị N. đã 5 tuổi, nên không thể nói là trầm cảm sau sinh.
Sau 1 ngày xảy ra sự việc 3 mẹ con tử vong trong nhà nghỉ tại Bắc Linh Đàm (Đại Kim – Hoàng Mai – Hà Nội), chiều ngày 12/9 cơ quan chức năng đã chính thức công bố kết quả điều tra ban đầu, xác định chị Nguyễn Thị N. (người mẹ treo cổ tự tử) bị trầm cảm.
Được biết, trong quá trình điều tra, cơ quan công an còn thu giữ một con dao dính máu, tài sản, điện thoại không bị mất, cửa phòng nghỉ chốt từ phía trong, có dấu hiệu của tự tử.
Gia đình đang chuẩn bị đưa thi thể chị N. từ nhà xác về gia đình.
Từ kết quả điều tra trên,TS Dương Minh Tâm (Viện Sức khỏe tâm thần) khẳng định, một số thông tin cho rằng chị N. bị trầm cảm sau sinh là không đúng. Vì con trai út của chị N. đã 5 tuổi, nên không thể nói là trầm cảm sau sinh.
“Chị N. chỉ bị trầm cảm thông thường. Khi bị trầm cảm người bệnh sẽ có những biểu hiện mệt mỏi, buồn chán, bi quan và không lối thoát. Khi không có lối thoát thì họ sẽ tìm đến cái chết để mong giải quyết được những chán nản trong lòng. Còn nguyên nhân vì sao sinh ra buồn chán, bi quan thì xuất phát từ nhiều phía, có thể do áp lực công việc, vấn đề về gia đình…”, TS Tâm nói.
Theo TS Tâm, những người trầm cảm họ thường có suy nghĩ rằng, nếu mình chết đi thì những đứa con ở lại sẽ sống rất khổ sở, vì thế trong đầu họ luôn thôi thúc sẽ phải mang theo đứa con đi cùng để giải thoát chúng.
“Đó chính là lý do vì sao những người mẹ mắc trầm cảm thường sát hại con sau khi tự kết liễu đời mình”, BS Tâm chia sẻ.
Nhà nghỉ Đ.T nơi phát hiện 3 mẹ con chị N. tử vong.
Qua thực tế khám và điều trị các bệnh nhân tâm thần, TS Tâm gặp không ít những trường hợp bị trầm cảm có ý định sát hại con, nhưng may mắn được gia đình phát hiện ra và đưa đi điều trị kịp thời.
Lấy ví dụ cụ thể TS Tâm cho biết: “Sáng nay (12/9) chúng tôi vừa tiếp nhận một bệnh nhân trầm cảm có ý định sát hại con của chính mình rất may được phát hiện và đưa đến viện kịp thời”.
“Người bệnh là một nam bệnh nhân, có con đang học phổ thông rất giỏi. Sau khi mắc bệnh trầm cảm, người bố này suy nghĩ rất nhiều về việc có nên tự tử hay không. Thậm chí, có lúc đã dùng dây đưa vào cổ rồi nhưng lại thương đứa con học giỏi.
Khi gia đình phát hiện ra, chúng tôi lập tức giải thích và tư vấn cho người nhà, cần đưa nam bệnh nhân này đến viện, tách hai bố con ra ngay lập tức để tránh những hậu quả không mong muốn”, TS Tâm chia sẻ về ca bệnh.
TS Tâm cho biết, thông thường trước khi có ý định sát hại người thân, những người bệnh mắc trầm cảm thường trải qua giai đoạn đấu tranh với bản thân rất lớn. Nếu giai đoạn này không được những người thân bên cạnh phát hiện thì hậu quả sẽ rất khó lường.