Tại Quảng Trị đã có gió to, mưa lớn vùng ven biển. Còn hơn 100 km nữa bão đổ bộ đất liền, 3 tỉnh vùng tâm bão là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đang cấp tập hoàn tất mọi công tác chống bão.
Còn hơn 100 km nữa bão vào đất liền
Hiện ở trạm đảo trên đường bão số 10 đi qua đã đo được gió mạnh. Trạm đảo Lý Sơn đã có gió mạnh 16m/s (cấp 7), giật 22m/s (cấp 9); ở trạm đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh 16m/s (cấp 7), giật 21m/s (cấp 9). Đảo Hòn Ngư có gió mạnh 14m/s (cấp 7), giật 18m/s (cấp 8); đảo Cồn Cỏ có gió mạnh 14m/s (cấp 7), giật 28m/s (cấp 10).
Ở ven biển các tỉnh Thanh Hóa – Quảng Nam đã có gió giật cấp 6 – 7.Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, lúc 10 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Trị khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Như vậy khoảng chiều và tối nay (30/9), vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Trị. Đến 22 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.Sau đó, bão đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và vùng áp thấp.Vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam và Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 9 – 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11 - 13, giật cấp 15 - 16.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6 – 7, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 14 - 15.
Các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét.
Quảng Trị đã có gió to, mưa lớn ven biển
Đang trực tiếp tham gia chỉ đạo hoàn tất mọi công tác chống bão trước thời gian bão đổ bộ tại Quảng Trị, ông Lê Đa Sơn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh cho hay, theo kế hoạch, việc sơ tán dân tại các vùng ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất sẽ phải hoàn thành trước 12h ngày hôm nay (30/9).
Ông Sơn cho hay, đến 10h sáng nay di dời hơn 13 ngàn hộ tương ứng 44 ngàn người dân, hoàn thành di dời 100% những trường hợp bị ảnh hưởng trực tiếp do gió mạnh, mưa sau bão, có thể ngập sâu thường xuyên. Tùy theo tình hình mưa, lũ và diễn biến tiếp theo của bão vào trưa, chiều nay, tỉnh sẽ có những triển khai theo phương án đã xây dựng.
Lương thực thực phẩm dành cho những người trong diện di dời cũng được chuẩn bị chu đáo theo hai hình thức. Hình thức di dời cộng đồng, tức người tránh bão có thể di trú đến người thân ở địa điểm an toàn trong gia đình có thể tự phục vụ bản thân và có nguồn cung cấp lương thực trong gia đình. Hình thức thứ hai là người dân di dời tới các khu tập trung đã được tỉnh chuẩn bị nhu yếu phẩm đảm bảo cuộc sống sinh hoạt từ 5 ngày – 7 ngày.
Trên biển, tính đến 11h trưa nay (30/9), tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành kêu gọi 2.508 chiếc tàu, 100% tổng số đã neo đậu.
Việc chằng chống nhà cửa, ông Sơn cho hay, tỉnh đã chỉ đạo từ ngày 26/9 và 27/9, là việc làm thường xuyên.
Lực lượng thường xuyên ứng cứu, chống bão là lực lượng của bộ chỉ huy quân sự tỉnh, biên phòng tỉnh, công an tỉnh, y tế, quốc phòng 337, kể cả quân đội, dân quân tự vệ gồm hơn 6.200 người với 70 xe ô tô, các loại, 52 các loại tàu tham gia ứng cứu, sơ tán dân trong mọi tình huống khẩn cấp.
“Hiện khó khăn chắc chắn xảy ra là hiện bão đã còn hơn 100 km nữa vào đất liền, ven biển gió đã mạnh, mưa đã lớn, sợ bão vào buổi tối và đêm, các vấn đề về công tác chống bão sẽ có khó khăn nhất định, đây lại là cơn bão lớn. Chúng tôi đang hết sức tập trung vào thời gian còn lại thực hiện các công việc như phương án đề ra, nắm bắt diễn biến và chủ động chống bão”, ông Sơn nói.
Ngư dân các tỉnh miền Trung khẩn trương neo đậu tàu thuyền trước bão (Ảnh: Infonet)
Tại tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn ngọc Giai, Chánh Văn Phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình cho hay, tính đến 11h trưa nay, 3.119 hộ với 14.019 người dân ở vùng nguy hiểm đã được sơ tán. Tùy theo diễn biến mưa lũ tiếp theo sẽ có di dời tiếp nếu người dân gặp nguy hiểm.
Hiện 100% tàu thuyền vào bờ, người dân cũng kết hợp với chính quyền hoàn thành công tác neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa.
“Chiều nay, chiều khoảng 15h, 16h bão vào, mọi công tác chống bão đang cấp tập tiến hành nốt để hoàn thành cơ bản trước 1h chiều nay. Các phương án phòng chống, di dân, chuẩn bị lương thực, theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo lương thực 7 ngày – 10 ngày lương thực cho 3.119 hộ và hơn nữa tùy theo diễn biến của bão”, ông Giai nói.
Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, hiện Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương đang có mặt tại hiện trường để cùng các cấp lãnh đạo địa phương chỉ đạo mọi công tác chống bão trước khi bão đổ bộ. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh cho hay, tỉnh đã chuẩn bị 100.300 m2 bạt chống sóng, 149.000 bao tải, 4.123 rọ thép, 7.000 m2 vải lọc để chi viện cho các địa phương khi có yêu cầu.
Lực lượng phòng, chống bão gồm 2.200 người ở các đơn vị bộ đội tập trung, quân sự các huyện, bộ đội biên phòng tỉnh, công an tỉnh và 30 tàu cứu hộ sẵn sàng túc trực ứng cứu mọi tình huống khẩn cấp. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng chỉ đạo, trước 10h sáng nay phải hoàn thành việc sơ tán dân cư ở vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng các biện pháp ứng phó với các tình huống khi có mưa, lũ lớn xẩy ra, đề phòng địa bàn bị chia cắt, cô lập dài ngày, sẵn sàng cứu đê, chủ động xã lũ, điều tiết mức nước tại các hồ đập trên địa bàn.