Ngoài đam mê, năng lực của bản thân thì nhu cầu của thị trường lao động là một trong những yếu tố quan trọng để người trẻ cân nhắc khi lựa chọn ngành học. Dưới đây là gợi ý những ngành có nhu cầu nhân lực nhiều nhất ở Việt Nam, triển vọng sau khi ra trường.
Ngành xây dựng
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong ba quốc gia hứa hẹn về tăng trưởng ở châu Á. Bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Việt Nam có điểm nhấn về nhiều lĩnh vực trong đó có xây dựng. Các tòa nhà cao tầng, nhà ở cho đến căn hộ, công trình đường bộ, đường sắt, công trình công cộng cũng ngày một nhiều hơn. Vì thế, nhu cầu tìm kỹ sư xây dựng, kỹ sư công trình, kiến trúc sư của các công ty, nhà thầu cũng tăng lên.
Chưa kể, với sự hội nhập quốc tế rộng rãi thì những dự án hạ tầng có sự đầu tư của nước ngoài cũng chiếm đa số. Chính vì vậy, ngành xây dựng hiện nay đang giữ vai trò chủ đạo. Điều này cũng kéo theo cơ hội việc làm của ngành xây dựng luôn rộng mở.
Thực tế cho thấy, vị trí kỹ sư xây dựng luôn thu hút nguồn nhân lực lớn hơn so với các ngành nghề khác và vẫn đang trên đà tăng trưởng từng ngày. Đặc biệt, vị trí này còn thu hút ứng viên nhờ mức lương cao và ổn định.
Với những kỹ sư lành nghề, có kinh nghiệm chỉ huy các công trình, dự án lớn thì mức lương trung bình hàng tháng có thể lên đến 40 – 50 triệu đồng.
Ngành công nghệ thực phẩm
Ngành công nghệ thực phẩm được đánh giá là ngành của tương lai vững vàng, ngành của sự tiềm năng. Đây là một trong những ngành học có tính ứng dụng cao và đa dạng, nhất là trong cuộc sống hiện đại.
Với dân số trên 86 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 7,5%/năm, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam đối với thực phẩm chế biến ngày càng lớn và phong phú, đặc biệt là nhu cầu về các sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà ngành công nghệ thực phẩm còn hướng đến việc sản xuất, chế biến những sản phẩm đạt chất lượng cao để phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, Công nghệ thực phẩm được xem là ngành học xếp thứ hai trong ba nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2015 - 2025. Báo cáo về nhu cầu nhân lực dự tính đến năm 2030 cũng chỉ ra, ngành Công nghệ thực phẩm là 1 trong 9 nhóm ngành cần bổ sung nhân lực cho sự phát triển mạnh mẽ của quốc gia.
Mức lương của các chuyên gia Công nghệ thực phẩm có thể đạt từ 15 - 25 triệu đồng với mức kinh nghiệm từ 2 - 5 năm, khoảng 25 - 40 triệu với 5 - 10 năm kinh nghiệm và hơn 10 năm kinh nghiệm hoàn toàn có thể đạt mức thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi tháng.
Ngành Du lịch, quản trị Nhà hàng - Khách sạn
Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam. Đất nước Việt Nam có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú. Thị trường du lịch khách sạn nhà hàng tại Việt Nam đang phát triển một cách mạnh mẽ và nóng hơn bao giờ hết.
Với nhu cầu “chữa lành” của giới trẻ cùng xu hướng “thế giới phẳng” như hiện nay, các khối ngành liên quan đến dịch vụ du lịch phát triển hơn bao giờ hết. Không khó để các bạn trẻ có thể theo đuổi ngành học này tại nhiều trường đại học và cao đẳng đào tạo trên toàn quốc.
Theo thống kê của các trường đại học, điểm chuẩn ngành Quản trị khách sạn năm 2024 có xu hướng tăng nhẹ so với năm 2023, đặc biệt tại các trường đại học top đầu.
Mức lương của lĩnh vực du lịch, quản trị nhà hàng - khách sạn thường dao động từ 10 triệu - 30 triệu/tháng. Nếu có thêm ngoại ngữ, mức lương có thể lên đến 50 triệu/tháng.
Ngành ngôn ngữ Trung
Những năm gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này khiến nhu cầu về ngôn ngữ Trung trở nên cao hơn bao giờ hết đối với thị trường lao động và nhu cầu việc làm tại nước ta.
Không phải chỉ mới gần đây mà độ hot của ngôn ngữ Trung vẫn luôn chưa bao giờ hạ nhiệt từ trước đến nay. Mỗi khi mùa tuyển sinh đại học đến gần, những thắc mắc về ngành học này của phụ huynh và học sinh liên tục được đặt ra về cơ hội việc làm, mức lương,...
Chị Tạ Thị Thuận - Quản lý hành chính nhân sự của một công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh) cho biết, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) nói chung và doanh nghiệp đầu tư từ Trung Quốc nói riêng đang thiếu nhân lực quản lý, kỹ sư, nhất là những người có năng lực, trình độ kinh nghiệm từ 3 - 5 năm.
Trên các hội nhóm "Hội việc làm tiếng Trung", "Việc làm tiếng Trung tại Bắc Giang"…, nhiều doanh nghiệp cũng đang săn lùng nhân sự thuộc ngành Trung Quốc học làm việc tại Hà Nội, TP.HCM hay các tỉnh thành Hưng Yên, Hà Nam… Không chỉ có cơ hội việc làm rộng mở, mức lương các vị trí liên quan đến ngành Trung Quốc học cũng được đánh giá khá hấp dẫn, lên tới 50 triệu đồng/tháng.
Ngành Bảo hộ lao động
Bảo hộ lao động là ngành học đón đầu xu hướng mới trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu. Đây chẳng những là ngành học triển vọng trong tương lai, khả năng ứng dụng cao, có thể làm ở nhiều tập đoàn đa quốc gia mà còn có cơ hội sở hữu mức lương vô cùng hấp dẫn.
Tại Việt Nam, kể từ khi chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngành bảo hộ lao động trở thành ngành nghề được quan tâm đặc biệt. Tất cả các nước gia nhập WTO đều phải có cán bộ chuyên trách về bảo hộ lao động. Doanh nghiệp có 200 lao động trở lên tối thiểu phải có 1 cán bộ chuyên trách về bảo hộ lao động theo Luật lao động. Vậy nên, ngành học này trở nên thiết thực khi có nhiều doanh nghiệp lớn mọc lên.
Qua khảo sát và một số thống kê được công bố vào tháng 12/2023, trung bình vị trí Chuyên viên An toàn lao động (HSE Specialist) được trả khoảng 1.200 - 2.000 USD/tháng (khoảng 30 - 50 triệu đồng/tháng). Với chức vụ Giám đốc An toàn lao động (HSE Manager) mức lương có thể lên đến 9.000 USD/tháng (khoảng 228 triệu đồng/tháng). Đây rõ ràng là một con số đáng mơ ước.