Bác sĩ dinh dưỡng cảnh báo điều gì khi quá nửa dân số ăn thiếu rau?

Ngày 22/09/2016 14:11 PM (GMT+7)

Trên 57% dân số trưởng thành ăn thiếu rau. Đây là con số rất đáng cảnh báo, bởi khi ăn thiếu rau cơ thể không đào thải được các chất độc dễ dẫn đến phát sinh bệnh tật.

Trong thời gian gần đây, Bộ Y tế công bố kết quả điều tra về tỷ lệ sử dụng rau-thịt-muối-rượu bia và thuốc lá ở Việt Nam. Trong đó kết quả nghiên cứu khiến nhiều người bất ngờ khi có trên 50% người dân Việt không sử dụng đủ khẩu phần rau quả hàng ngày.

Khi được hỏi, nhiều người dân cho rằng, vì hiện nay rất nhiều thông tin cảnh báo rau xanh đang bị tồn dư quá nhiều chất kích thích, thuốc trừ sâu nên họ hạn chế sử dụng. Liệu đây có phải là lời giải thích hợp lý, khi mà rượu – bia – thuốc lá biết độc hại rất nhiều, nhưng con số sử dụng vẫn luôn tăng “phi mã”.

Đặc biệt hơn, việc sử dụng quá ít rau quả trong khẩu phần ăn hàng ngày liệu có ảnh hưởng gì xấu đến sức khỏe. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với Ths.BS Dzoãn Thị Tường Vi – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng để có câu trả lời chính xác nhất.

Bác sĩ dinh dưỡng cảnh báo điều gì khi quá nửa dân số ăn thiếu rau? - 1

BS Dzoãn Thị Tường Vi - Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng.

Theo BS Tường Vi, Việt Nam là một nước có trồng được nhiều rau nhưng lại có hơn 57 % dân số trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây so với mức khuyến cáo là 400gram/ngày của Tổ chức y tế thế giới. Với một điều tra nghiêm túc được công bố như vậy điều này phản ánh đúng thực trạng hiện nay của nước ta.

BS Tường Vi cũng cho rằng, việc không sử dụng đủ rau tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, vì rau là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ. Thiếu rau sẽ bị thiếu các chất dinh dưỡng trên làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa trong cơ thể.

Thiếu rau trong khẩu phần đồng nghĩa với thiếu chất xơ dẫn đến tình trạng táo bón, cơ thể không đào thải được các chất độc trong cơ thể sẽ phát sinh bệnh tật.

Rau chứa nhiều thành phần có tính chất bảo vệ chống tổn thương oxy hóa như chất xơ, carotenoid, nhiều vitamin C, folate, selen… Bằng chứng khoa học cho thấy sử dụng rau quả hàng ngày có tác dụng giảm nguy cơ ung thư miệng, hầu họng, dạ dày, đại tràng…

Trung bình một ngày nên ăn 300-500 rau không tinh bột, quả chín có màu đỏ, xanh lá cây, vàng, trắng, tím và da cam, bao gồm cả sản phẩm từ cà chua, rau màu trắng như tỏi.

Bác sĩ dinh dưỡng cảnh báo điều gì khi quá nửa dân số ăn thiếu rau? - 2

Người dân cần ăn cân đối giữa lượng rau và quả.

Riêng vấn đề nhiều người lý giải rằng, do vấn đề an toàn thực phẩm đặc biệt có rất nhiều rau bị phát hiện có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nên người dân lo lắng không dám ăn nhiều?

Ths.BS Tường Vi thẳng thắn nhìn nhận, trong giai đoạn hiện nay đây quả thực là sự nhức nhối đang đe dọa bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình.

Vì vậy, nhiều người lo lắng rau xanh không đảm bảo về an toàn thực phẩm và cho rằng có thể bớt lượng rau ăn vào ít đi một chút hoặc không ăn rau cũng được. Thay vào đó họ tăng dùng hoa quả với mục đích thay thế rau xanh.

Tuy nhiên, thực tế dùng trái cây để thay thế hoàn toàn rau lại không phù hợp vì rau có hàm lượng chất xơ nhiều hơn trong hoa quả. Thế nên không thể dùng quả chín để thay thế rau xanh trong bữa ăn hàng ngày mà nên sử dụng đủ rau và quả chín hàng ngày trung bình 400g -500g/ngày.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự