Aspirin có tác dụng giảm đau, hạ sốt rất tốt nhưng với bệnh sốt xuất huyết (SXH), loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu trầm trọng hơn
Trong tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát hiện nay, với kinh nghiệm nhiều năm công tác ở BV đa khoa tỉnh Long Anh, tôi xin kể về những trường hợp bệnh nhân cùng người nhà vấp phải những hiểu lầm về bệnh này với mong muốn cảnh tỉnh nhiều người, nhằm tránh dẫn đến khó khăn cho công tác điều trị của bác sĩ, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Bị SXH một lần sẽ không bị lại
Mới đây, một phụ nữ từ thị xã Kiến Tường dắt theo con gái sáu tuổi đến phòng khám của tôi. Chị lo lắng kể con gái chị cứ bị sốt hầm hầm từ ba bữa nay. Thấy con vừa sốt, nghĩ mùa mưa, thời tiết thất thường thì người lớn, con nít bị cảm sốt là chuyện bình thường, chị ra nhà thuốc mua thuốc cảm sốt cho con uống nhưng cơn sốt không giảm mà ngày càng tăng.
Sau khi bé gái được tôi thăm khám và chẩn đoán bé mắc bệnh SXH, người mẹ đã rất ngạc nhiên cho biết cách đây hai năm con chị đã bị SXH, phải nằm bệnh viện tỉnh sáu ngày mới khỏi. Chị thắc mắc rằng nghe nhiều người nói ai đã bị SXH một lần trong đời rồi thì sẽ không bao giờ mắc lại căn bệnh này nữa mà tại sao con chị lần này lại bị SXH.
Đúng là SXH là bệnh tạo miễn dịch suốt đời, ai đã mắc bệnh rồi thì không mắc nữa nhưng trong thực tế, vì virus gây bệnh SXH hiện nay có đến bốn chủng nên một khi bạn đã bị SXH rồi thì không có gì bảo đảm bạn sẽ không mắc bệnh lại bởi một chủng virus gây SXH khác. Như vậy mỗi người có thể sẽ mắc SXH bốn lần trong cả đời người.
Những hiểu lầm về bệnh sốt xuất huyết dẫn đến khó khăn cho công tác điều trị của bác sĩ, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Giảm sốt là hết bệnh
Bé Thanh Nghị bảy tuổi, ngụ huyện Tân Trụ nhập viện trong tình trạng tay chân lạnh, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Qua kiểm tra, tôi nhận thấy mạch cháu đập nhanh, huyết áp hạ. Tôi khai thác bệnh sử thì cha cháu cho biết con mình bị sốt ba ngày trước đó. Đến ngày thứ tư bé hết sốt nhưng lừ đừ, ăn kém, xuất hiện nhiều nốt xuất huyết dưới da kèm theo tình trạng mệt mỏi. Thằng bé than đau đầu và sáng nay bỗng dưng bé bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, tay chân lạnh. Cha cháu xin cho con mình nhập viện cấp cứu.
Sau khi được tôi cho biết bé Nghị bị SXH chuyển nặng, cha cháu hỏi tại sao bé đã hết sốt, tức là hết bệnh SXH mà bây giờ bệnh lại đột ngột chuyển nặng. Đây là hiểu lầm tai hại mà người nhà bệnh nhi SXH thường mắc phải. Bởi vì thông thường, với bệnh SXH, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt trong ba ngày đầu tiên. Nhưng thời gian nguy hiểm nhất của bệnh là từ ngày thứ tư trở đi.
Chính giai đoạn này có thể gây ra tình trạng nặng của bệnh với những biểu hiện như tay chân lạnh, mạch nhanh, huyết áp hạ, xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam và có thể có cả đi tiêu ra máu và nôn ra máu, nếu không chữa trị kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong.
SXH lây qua đường tiếp xúc
Thanh Tú, 20 tuổi, nhà ở TP Tân An xin nhập viện điều trị SXH ở ngày thứ ba. Cô gái kể cô có đứa em trai 11 tuổi vừa dứt bệnh SXH cách đây một tuần. Trong thời gian em trai bệnh, Tú và người nhà cố gắng không tiếp xúc trực tiếp với em trai. Cô hỏi tại sao cô lại có thể lây bệnh SXH từ em trai mình.
Đây thực ra là sự hiểu biết lệch lạc về đường lây SXH. Không ít người nghĩ rằng SXH lây bệnh giống như ho gà, cảm cúm. Hiểu đúng phải là bệnh SXH không lây trực tiếp bằng con đường hô hấp hay dịch tiết của người bệnh mà nó được lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn. Loài muỗi này chích hút máu người bệnh SXH, sau đó chích người lành sẽ làm cho người lành mắc bệnh.
Uống thuốc Aspirin khi bị SXH
Trường hợp bé Duy Khang, chín tuổi, ngụ huyện Châu Thành thì nghiêm trọng hơn. Bé nhập viện trong tình trạng tiêu phân đen, nôn ra máu, xuất huyết dưới da và than đau bụng vùng thượng vị. Qua khai thác tình hình bệnh trạng của bé, tôi được biết trước đó bốn ngày bé bị sốt 39-40 độ, đau người, đau cơ khớp, đau đầu. Mẹ cháu tự mua thuốc Aspirin pH8 về cho con uống. Bé Khang có giảm sốt chút ít và cứ thế bé được mẹ cho uống Aspirin cho đến hôm nhập viện.
Rõ ràng người mẹ không am hiểu về loại thuốc bị cấm kỵ này đối với bệnh SXH. Bởi vì Aspirin có tác dụng giảm đau, hạ sốt rất tốt nhưng với bệnh SXH, loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể gây nên xuất huyết dạ dày, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.