Cơn bão có tên quốc tế là Sarika dự báo sẽ vào biển Đông trở thành bão số 7 trong vài ngày tới.
Hiện nay, một cơn bão có tên quốc tế là Sarika đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Philippines. Hồi 13 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 126,0 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông khoảng 500km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 11-12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 123,7 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 14-15.
Bão Sarika trên hình ảnh mây vệ tinh
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, vượt qua đảo Lu Dông vào Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 16/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 119,6 độ Kinh Đông, trên khu vực biển phía Đông Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13-14.
Từ sáng 16/10, vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật trên cấp 12. Biển động dữ dội. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Do ảnh hưởng kết hợp của áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc và nhiễu động gió đông trên cao nên từ hôm nay đến hết ngày 15/10 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (trên 200mm/cả đợt, riêng khu vực Nam Nghệ An-Huế khoảng 300-500mm). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.
Khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ trong 2-3 ngày tới tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông.
Nhiều cây lớn đổ ngang đường do mưa lớn ở Huế (Ảnh: Dân Việt)
Do mưa lớn, từ ngày 13/10 đến ngày 15/10 trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện lũ.
Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và sông La (Hà Tĩnh) phổ biến lên mức báo động (BĐ)1-BĐ2; riêng sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh) và các sông ở Quảng Bình có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng, ven sông ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.
Hiện nay, mực nước sông Cửu Long và sông Sài Gòn đang lên nhanh theo triều cường. Mực nước cao nhất sáng ngày 14/10 trên các sông như sau: Sông Tiền tại Tân Châu: 3,0m, dưới BĐ1 0,5m, tại Mỹ Thuận: 1,68m, dưới BĐ2 0,02m; Sông Hậu tại Châu Đốc: 2,68m, dưới BĐ1 0,32m; tại Cần Thơ: 1,74m, trên BĐ1 0,04; Sông Sài Gòn tại Phú An: 1,47m, dưới BĐ3: 0,03m.
Mực nước trên sông Cửu Long và sông Sài Gòn tiếp tục lên. Tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng đạt mức cao nhất năm vào ngày 19-20/10 và ở mức xấp xỉ BĐ1 (trên sông Tiền tại Tân Châu 3,4m, dưới BĐ1 0,1m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,0m, ở mức BĐ1).
Nguy cơ cao xảy ra tình trạng ngập úng ở các vùng trũng thấp, đặc biệt khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh.