40 năm sau khi kết thúc chiến tranh, Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh. Thế nhưng sự ảnh hưởng của chất độc da cam, loại hóa chất được quân đội Mỹ sử dụng vẫn còn rất nặng nề, theo báo Tin tức của Úc đưa tin ngày 25/5.
Chất Dioxin được coi là một trong những hóa chất độc hại nhất đối với loài người. Hiện nay, chất Dioxin vẫn còn tồn tại trong hệ sinh thái của Việt Nam, trong đất, cá tôm trên sông mà hàng ngày người dân vẫn ăn.
Gần 4,8 triệu người Việt đã phải tiếp xúc với chất độc này. Nó đã gây ra cái chết cho khoảng 400.000 người với các bệnh liên quan như ung thư, dị tật bẩm sinh, rối loạn da, các bệnh tự miễn dịch, rối loạn chức năng gan, hiệu ứng tâm lý xã hội, các khuyết tật về thần kinh và các bệnh đường tiêu hóa.
Theo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, hiện nay vẫn còn có tới một triệu người đang bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Trong số đó có tới 100.000 trẻ em.
Trong trại trẻ mồ côi Gò Vấp ở TP.HCM, Hồng, một bé gái 5 tháng tuổi nhìn chằm chằm vào một con gấu bông màu vàng được treo trên cũi nơi bé nằm. Trên đầu cô bé mọc ra một khối u rất lớn - một bệnh hiếm gặp do khuyết tật ống thần kinh. Các nghiên cứu cho thấy căn bệnh này có thể bị gây ra do tiếp xúc với chất độc da cam. Nếu không phẫu thuật thành công, tương lai bé Hồng sẽ rất ảm đạm. Em có thể bị liệt tay chân, khiếm thị, tâm thần và động kinh.
Đang điều trị tại bệnh viện Từ Dũ, một trong số trẻ em nhiễm chất độc da cam có tên là Tran Huynh Thuong Sinh bị mắc hội chứng Fraser Syndrome. Đây là một bệnh rối loạn di truyền hiếm gặp, nó khiến mí mắt dính liền, các ngón tay, ngón chân có màng và dị tật bộ phận sinh dục.
Chất độc da cam với tên gọi Agent Orange, được quân đội Hoa Kỳ phun khoảng 80 triệu lít trên 30.000 dặm vuông ở miền nam Việt Nam trong suốt một thập kỷ từ năm 1961-1971. Mục đích là làm suy yếu quân đội Bắc Việt, bằng cách giảm nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm.
Không chỉ các gia đình ở Việt Nam bị ảnh hưởng. Ở Úc, nơi có gần 60.000 binh sĩ phục vụ trong chiến tranh, các cựu chiến binh và con cái họ chịu ảnh hưởng của chất độc da cam ngày càng được phát hiện nhiều.Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Dioxin vẫn còn tồn tại ở nồng độ cao đáng báo động trong đất, thực phẩm, máu và ngay cả trong sữa mẹ của những người sống gần căn cứ cũ của quân đội Mỹ.
Hope White, 39 tuổi, đến từ vùng Sunshine Coast, bị xơ vữa cơ, các vấn đề cột sống và vô sinh. Năm 1968, cha của cô đóng quân một năm tại tỉnh Phước Tuy của Việt Nam, nơi chất độc da cam được rải với số lượng lớn.
"Tôi đã có một số vấn đề về sức khỏe từ khi còn nhỏ, đặc biệt là với cột sống. Tôi phải chiến đấu với bệnh tật từ đó đến nay bằng vật lý trị liệu. Một số ngày, thậm chí tôi còn không thể bước ra khỏi giường", cô nói.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam ở Úc, nhưng các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với dioxin có thể dẫn đến vô sinh ở phụ nữ.
Hope nói thêm: "Tôi đã tìm hiểu và biết rằng bệnh vô sinh rất phổ biến trong số các con gái của cựu chiến binh Việt Nam. Nó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của hai vợ chồng tôi. Không có con đã làm thay đổi cuộc sống của chúng tôi rất nhiều".
12 đứa con của ông Hiền đã qua đời vì ảnh hưởng chất độc da cam. Ông đã xây lăng mộ cho các con ngay bên cạnh nhà.
Tiến sĩ Wayne Dwernychuk, một nhà khoa học cao cấp đã nghỉ hưu, từng nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc da cam cảnh báo rằng: “Không biết bao nhiêu thế hệ nữa vẫn còn bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam trong tương lai". Cũng theo nghiên cứu, nó sẽ ảnh hưởng từ 6 đến 12 thế hệ bởi chất dioxin ảnh hưởng đến các mã di truyền.
Các hoạt động hỗ trợ từ cộng đồng cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam ở Việt Nam đang tăng dần. Tại Đà Nẵng, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, điều hành hai trung tâm dành cho trẻ em bị khuyết tật. Họ đào tạo nghề, phục hồi chức năng và cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam có cơ hội để sống và vươn lên. Đó là một nơi trú ngụ an toàn cho trẻ em khuyết tật, những đứa trẻ bị bỏ rơi bên lề của xã hội.
Các hoạt động quyên góp từ thiện đã giúp đỡ cho rất nhiều trẻ em khuyết tật do ảnh hưởng chất độc da cam. Em Thảo, 16 tuổi, ở Củ Chi, đang chờ được tài trợ để em có thể đi lại. Em không thể đi bộ bình thường nếu không được giúp đỡ. Hai chân của em bị dị tật từ khi sinh ra.
Ngồi im lặng bên cạnh Thảo là Hiếu, anh trai của em, một cậu bé 15 tuổi. Cậu bé nhút nhát này chưa bao giờ được đến trường vì khuyết tật của mình. Ông nội của các em đã trải qua trong cuộc chiến.
"Khi nhìn thấy anh trai của em như thế này, em cảm thấy rất thương anh. Em giúp anh ấy các việc ở nhà, đôi khi em cho anh ấy ăn và chúng em chơi bi với nhau xung quanh nhà", Thảo nói về Hiếu.
Thảo nói khẽ: "Em chỉ nằm đó. Em không có bất cứ điều gì để làm. Em không còn cảm thấy buồn, vì em đã quen với nó. Em chỉ có một điều ước. Em chỉ muốn có thể đi lại được".