Kể từ ngày nước Mỹ trực tiếp dính líu sâu vào chiến tranh Việt Nam, gần chục vị đại sứ thay nhau đến...
Kể từ ngày nước Mỹ trực tiếp dính líu sâu vào chiến tranh Việt Nam, cho đến khi chế độ thực dân mới của Mỹ ở Nam Việt Nam hoàn toàn sụp đổ, có gần chục vị đại sứ thay nhau đến “thực thi công vụ” với mục tiêu kéo dài biên giới nước Mỹ.
Đại sứ Graham Martin gặp các phóng viên trên Hạm đội 7 ngày 2/5/1975
Nhầm dinh Độc Lập thành đền Angkor
Tháng 11/1954, Trung tướng Lowton Collin chính thức được bổ nhiệm làm đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Thời điểm đó, “quốc trưởng” Bảo Đại còn đang mải công du trên đất Pháp. Quốc gia đại sự hoàn toàn do Thủ tướng Ngô Đình Diệm vừa từ Mỹ trở về trông coi. Trong diễn văn ra mắt, do không tìm hiểu kỹ nên ngài đại sứ đã nhầm tên gọi “Dinh Độc Lập” là đền Angkor của Campuchia. Tuy nhiên, sơ suất của vị đại sứ không làm giảm vai trò của Collin với tư cách là người giúp Ngô Đình Diệm thực thi ý đồ hất cẳng Pháp, dọn đường cho Mỹ tiếp quản Nam Việt Nam.
Năm 1957, Enbrige De Brao được cử làm đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Được sự giật dây của đại sứ Mỹ và sự trợ giúp của CIA, Ngô Đình Diệm đã phế truất Bảo Đại trong một cuộc “trưng cầu dân ý” do Mỹ đạo diễn. Chính trong thời kỳ này, Ngô Đình Diệm đã phát động các chiến dịch “chống cộng, tố cộng, diệt cộng”, dồn làng gom dân, thực hiện quốc sách “ấp chiến lược”; ban hành “luật 10-59”; Diệm hò hét: “Bắc tiến”, “Lấp sông Bến Hải”, “Giải phóng miền Bắc bằng vũ lực”... Tất cả những hành động này của Diệm đều được sự chỉ bảo, hỗ trợ của đại sứ Mỹ De Brao.
Tuy nhiên, càng đàn áp khốc liệt, phong trào cách mạng càng phát triển mạnh mẽ. Và đại sứ De Brao đã để lại một di sản nặng nề cho người kế nhiệm - Tướng Fredrich Nolting, người đến Sài Gòn ngày 20/2/1961. Rút kinh nghiệm từ những người đi trước, Nolting đã giúp quân ngụy tiến hành cuộc chiến tranh thực sự ở miền Nam.
Các cuộc càn quét do binh sĩ Sài Gòn tiến hành dưới sự chỉ huy, cố vấn của người Mỹ, do Mỹ trang bị và yểm trợ. Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” dự kiến nếu thành công sẽ được phổ biến cho nhiều quốc gia đồng minh khác. Thế nhưng, như đã biết, dải đất được Mỹ chọn làm nơi thí điểm, đồng thời cũng là nơi chôn vùi chiến lược này. Kết quả là Tướng Nolting bị bãi chức.
Đại sứ Maxwell D. Taylor (trái) nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara tại Lầu Năm góc ngày 27/11/1964, ngay khi vừa trở về từViệt Nam
Thề đến chết không quay lại
Ngày 27/8/1963, đại sứ mới của Hoa Kỳ là Henry Cabot Lodge đã long trọng trình quốc thư lên Tổng thống Ngô Đình Diệm để rồi chỉ 64 ngày sau đó, chính nhà ngoại giao này đã đạo diễn cuộc đảo chính quân sự lật đổ triều đình nhà Ngô, vứt bỏ một con rối mà chính người Mỹ đã dày công xây dựng, đầu tư.
So với những người tiền nhiệm, Cabot Lodge là nhân vật nổi bật hơn nhiều. Ông ta từng được đảng Cộng hòa chọn làm ứng viên Phó tổng thống trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 1960. Giới tài phiệt phố Walls đánh giá năng lực của Cabot Lodge thuộc tầm cỡ có thể điều hành bộ máy quốc gia. Và như đã nói, có lẽ “chiến tích” lớn nhất của Cabot Lodge là loại bỏ Ngô Đình Diệm, những công việc còn lại ông ta cũng không hề tỏ ra hơn De Brao và Nolting.
Chưa đầy 10 tháng, Cabot Lodge bị triệu hồi về nước, nhường chiếc ghế đại sứ cho Maxwell Taylor (một Đại tướng quân đội, được xem là chiến lược gia xuất sắc với tư cách là cha đẻ của thuyết “Phản ứng linh hoạt” thay thế cho chiến lược “Trả đũa ồ ạt” trước đây). Là cựu quân nhân, Taylor được cử sang miền Nam Việt Nam để trực tiếp đôn đốc thực hiện chiến lược “
Chiến tranh đặc biệt” đang có nguy cơ bị phá sản. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, Đại sứ Taylor đã thừa nhận sự phá sản của chiến lược này bằng cách chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, tán thành đưa ồ ạt quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam, ném bom miền Bắc Việt Nam, đưa chiến tranh lên những nấc thang cao nhất, đồng nghĩa với việc chôn vùi thanh danh của một Đại tướng Mỹ.
Tháng 8/1965, Cabot Lodge trở lại Sài Gòn làm đại sứ nhiệm kỳ thứ hai thay Taylor để rồi một năm rưỡi sau, vị “đại sứ tầm cỡ tổng thống” này đành quay đầu về hẳn, sau khi công khai tuyên bố với các nhà báo “Thề đến chết không trở lại xứ sở rắc rối này”!
Đại sứ Henry Cabot Lodge trên bìa tạp chí Life số ra ngày 20/3/1964
Thất bại, rút lui
Ngày 15/3/1967, là ngày nhậm chức của vị đại sứ cao tuổi nhất Ensword Bulker. Nhà ngoại giao 73 tuổi được quảng cáo là vị đại sứ lão thành, nhiều kinh nghiệm, có hiểu biết sâu rộng về nhiều vấn đề chính trị, xã hội của châu Á. Thời kì Bulker làm đại sứ là giai đoạn cuộc chiến diễn ra điên cuồng nhất, ác liệt nhất. Số tiền Chính phủ Mỹ chi cho cuộc chiến đã lên tới mức cao nhất - 32 tỷ USD/năm, chiếm hơn 40% tổng ngân sách quốc phòng.
Mỹ huy động sang chiến trường Việt Nam tới 60% số tàu sân bay, hơn 40% lực lượng không quân chiến thuật, 50% lực lượng không quân chiến lược, tập trung tới 1 triệu 32 vạn quân, trong đó có hơn nửa triệu quân Mỹ. Tất cả các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh tàn bạo nhất, tối tân nhất của nền công nghiệp quốc phòng Mỹ, trừ vũ khí hạt nhân, đều được đem ra sử dụng ở Việt Nam.
Là người có mặt ở chiến trường Việt Nam vào thời điểm chính quyền Mỹ dốc sức cao nhất cho cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc, đại sứ Bulker cũng là người chứng kiến bước ngoặt thảm hại của Mỹ trong việc bắt buộc phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đơn phương rút hết quân Mỹ và chư hầu về nước.
Đại sứ Graham Martin tới Sài Gòn ngày 20/1/1973 sau khi tên lính viễn chinh cuối cùng của Mỹ đã phải rút khỏi Việt Nam. Thế nhưng, hàng vạn sỹ quan Mỹ khoác áo dân sự vẫn ở lại trợ giúp chính quyền Thiệu phá hoại Hiệp định, đẩy mạnh công cuộc “Việt Nam hóa chiến tranh” nhằm cố cứu vãn cái chế độ đang bị lung lay tận gốc.
Trong nhiệm kỳ của Martin, tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn đã phát triển tới quy mô đồ sộ chưa từng có với trên 5.500 nhân viên. Giúp việc cho Martin có một công sứ đặc mệnh toàn quyền mang hàm đại sứ, ba tham tán công sứ, 6 lãnh sự và phó lãnh sự... Riêng phòng tùy viên quân sự có tới 3.700 sỹ quan, trong đó có tới 3 sỹ quan cấp tướng, là phòng tuỳ viên quân sự lớn nhất của Mỹ.
Thời kỳ này, quân ngụy Sài Gòn được Mỹ trợ giúp tới mức cao nhất, vượt quân đội nhiều nước chư hầu khác của Mỹ. Tổng quân số quân lực Việt Nam cộng hòa lên tới 1 triệu 35 vạn binh lính (được Mỹ xếp thứ tư thế giới lúc bấy giờ), 1.783 máy bay (trong đó, số máy bay trực thăng chiến đấu được xếp thứ ba thế giới), hơn 1.600 tàu, xuồng chiến đấu.
Đại sứ Graham Martin đã phải chứng kiến “phút giây cuối cùng bi thảm nhất” của Mỹ ở miền Nam Việt Nam: Phút giây toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền do Mỹ dày công xây dựng và trợ giúp suốt một phần tư thế kỷ sụp đổ tan tành. Và ngài đại sứ phải lên trực thăng bỏ lại tòa đại sứ được xây dựng vững chắc như một pháo đài, nhiều tài liệu mật chưa kịp tiêu hủy.