Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết tại Hội thảo về các ưu tiên Sức khỏe sinh sản và Kế hoạch hóa Gia đình giai đoạn sau năm 2015, được tổ chức tại Đồ Sơn – Hải Phòng.
Theo Thứ trưởng Tiến, trong những năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ. “Điều đó, được thể hiện qua các con số biết nói, như tỷ lệ tử vong của các bà mẹ sau sinh, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi đã giảm rất nhanh. Theo đó, năm 2006, Việt Nam đạt mức sinh thay thế và đã duy trì liên tục trong gần 10 năm qua.
Tuy đạt được nhiều thành tựu, nhưng Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn trong công tác dân số.
Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai luôn được duy trì ở mức cao (77,2%). Tỷ số tử vong mẹ đã giảm 3 lần từ 233/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 1990 xuống còn 69/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2009, đứng thứ 5 trong 10 nước Đông Nam Á (sau Singapore, Brunei, Malaysia và Thái Lan)
Tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm 3 lần từ 44,4‰ vào năm 1990 xuống còn 14,94‰ năm 2014. Tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm gần 3 lần từ 58‰ vào năm 1990 xuống còn 22,4‰ năm 2014. Theo ước tính của Liên hiệp quốc, tử vong sơ sinh giảm từ 23‰ năm 1990 xuống còn 13‰ năm 2014”, Thứ trưởng Tiến thông tin.
Tuy đạt được những thành tựu đáng khích lệ, nhưng công tác dân số KHHGĐ vẫn đang gặp phải không ít khó khăn. “Những khó khăn Việt Nam đang phải đương đầu đó là mức sinh còn rất khác biệt giữa các vùng miền, tỉnh thành phố. Có những nơi mức sinh đã xuống thấp như một số tỉnh/TP vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, mức sinh còn rất cao.
Tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa công tác dân số còn gặp nhiều khó khăn.
Tỷ lệ tử vong mẹ và tỷ suất chết trẻ em cũng còn rất nhiều khác biệt giữa các vùng miền. Tử vong mẹ ở miền núi vẫn gấp 3 lần vùng đồng bằng và ở những tỉnh cao nhất có thể gấp tới 10 lần so với tỉnh thấp nhất. Tử vong sơ sinh vẫn còn cao, chiếm 70% số tử vong trẻ em dưới 1 tuổi.
Gánh nặng kép về dinh dưỡng đã xuất hiện và ngày càng trầm trọng hơn: suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi tồn đồng thời với tình trạng thừa cân béo phì có xu hướng gia tăng). Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở mức cao nhưng có dấu hiệu chững lại.
Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục - HIV và ung thư đường sinh sản còn cao. Tỷ lệ quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục ở vị thành niên/thanh niên ngày càng tăng; nhu cầu chưa được đáp ứng về phòng tránh mang thai ngoài ý muốn còn cao, đặc biệt ở nhóm dân số đặc thù như vị thành niên/thanh niên, người di cư…
Việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa được đầu tư thỏa đáng trong bối cảnh già hóa dân số. Đối với những người trên 60 tuổi, họ không chỉ mắc một bệnh mà rất nhiều bệnh…Thử hỏi, trên cả đất nước có bao nhiêu bệnh viện Lão khoa để chăm sóc những đối tượng này khi bị già hóa dân số”, Thứ trưởng Tiến nêu rõ những khó khăn.
Theo GS Tiến, những khó khăn, thách thức trên đang đe dọa khả năng thực hiện thành công Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam. Vì thế, trong thời gian tới, ngành dân số cần phải tập chung vào các chiến lược cụ thể, học hỏi kinh nghiệm quốc tế …để đạt được những mục tiêu đã đề ra.