Sáng13/6, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về những chủ đề liên quan đến giáo dục đang được quan tâm hiện nay như mô hình trường học mới (VNEN), phương hướng nâng cao chất lượng trình độ đào tạo và bằng cấp của Việt Nam.
Tiếp tục triển khai mô hình VNEN
Những thay đổi lớn trong ngành giáo dục đã nhận được nhiều sự quan tâm từ các Đại biểu cũng như dư luận xã hội. Trả lời câu hỏi về mô hình VNEN trong thời gian tới của Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm, Bộ trưởng cho biết chúng ta sẽ tiếp tục triển khai mô hình này. Mô hình VNEN được triển khai vừa giúp điều chỉnh thay đổi cách dạy cách học, cách kiểm tra, đánh giá của các lớp trong khi chúng ta chưa có chương trình sách giáo khoa mới để góp phần nâng cao từng bước chất lượng giáo dục đào tạo.
Bộ trưởng cho rằng đây là bước tập sự làm quen về mặt phương pháp giảng dạy tổ chức quản lý lớp học và nhà trường theo phương thức mới và phương thức phát triển năng lực phẩm chất. Áp dụng mô hình VNEN cũng là những hoạt động đào tạo bồi dưỡng ở mức thấp đối với đội ngũ giáo viên hiện hành để giúp cho các nhà giáo các cán bộ quản lý thích ứng dần với cái mô hình mới mà ngành giáo dục sẽ triển khai rộng vào năm 2018.
Tăng cường quản lý chất lượng đầu ra
Chất lượng giáo dục đào tạo là một vấn đề đã và đang được Quốc hội và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, coi đây là vấn đề quốc sách, một yêu cầu cấp thiết và lâu dài. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh :“Chúng tôi cũng đã chỉ đạo đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo của tất cả các cấp học, đặc biệt là đại học để chuyển sang phát triển năng lực và phẩm chất".
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa về mục tiêu giáo dục ngoại ngữ ở phổ thông tới đây, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ bằng và chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C của chúng ta không có ý nghĩa thực tiễn cho các em học sinh cũng như yêu cầu năng lực ngoại ngữ từ xã hội. Tới đây Bộ GD - ĐT sẽ ban hành những chuẩn có tham chiếu với khung trình độ của Châu Âu. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã tóm tắt quan điểm chỉ đạo: “Thứ nhất là chú trọng toàn diện cả bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Thứ hai là có những chuẩn trình độ cho từng cấp học từ tiểu học đến đại học".
Bộ trưởng báo cáo Quốc hội việc đã tham gia tích cực vào việc xây dựng khung tham chiếu trình độ của ASEAN đối với tất cả các trình độ dạy nghề giáo dục chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Bộ cũng đã xây dựng xong khung trình độ quốc gia, ký nhiều thỏa thuận về các trình độ đào tạo và các bằng cấp với nhiều trường đại học hàng đầu của Pháp, Đức và các nước khác. Học sinh, sinh viên hoàn toàn có thể học một năm ở Việt Nam rồi sang Pháp tiếp tục học, được công nhận về kết quả học tập và ngược lại. Tất cả những điều này vừa góp phần để nhà có thể giao lưu, học hỏi và vừa nâng cao chất lượng, trình độ giảng dạy.
Tại phiên họp, Đại biểu Đoàn Mỹ Hương và Vi Thị Hương cũng bày tỏ sự lo lắng liên quan đến vấn đề: “Phải chăng chúng ta đang quan tâm quản lý chặt đến đầu vào mà chưa lưu ý đúng mức đến đầu ra?”. Trả lời cho câu hỏi trên, người đứng đầu ngành GD – ĐT nhận định đây là hậu quả của một quá trình dài quản lý hành chính nặng nề quan liêu, bao cấp trước đây, ngành giáo dục chú trọng tuyển đầu vào hồ sơ rồi điểm số đầu vào, đến lúc đầu ra thì chưa được chú trọng. Trước thực tế này, Bộ GD - ĐT đã có những thay đổi về tư duy và nhận thức trong quá trình đổi mới. Bộ trưởng khẳng định: “Cả về luật, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như quyết định của Bộ GD & ĐT và các bộ ngành đều chuyển hướng rất mạnh, tách biệt quản lý nhà nước ra khỏi quản trị nhà trường.”
Cũng theo ông, những hoạt động chuyên môn liên quan đến đào tạo, nghiên cứu khoa học đã giao cho các nhà trường. Mới đây, các trường đã tự chủ và tự chịu trách nhiệm cả về tuyển sinh đại học của mình. Bộ làm công tác quản lý nhà nước và tăng cường quản lý chặt chất lượng và hướng tới việc quản lý đầu ra. Tuy nhiên, Bộ cũng đồng thời có những giải pháp quản lý để có thể hỗ trợ các cháu trong quá trình học tập.