Ngoài gửi thông tin trực tuyến, cơ quan chức năng còn tiếp nhận các phản ánh vi phạm giao thông qua nhiều đầu mối khác.
Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Nghị định 176/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-1-2025, đã quy định về nội dung chi và mức chi kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông.
Trong đó, nổi bật là nội dung chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông. Khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông của 1 vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5 triệu đồng/1 vụ, việc.
Như vậy, bắt đầu từ ngày 1-1-2025, các cá nhân hay tổ chức khi cung cấp thông tin phản ánh về vi phạm giao thông có thể được thưởng đến 5 triệu đồng của 1 vụ, việc.
Theo ghi nhận, quy định này được rất nhiều người dân chia sẻ rầm rộ trong trang cá nhân mạng xã hội của mình. Đây cũng là chủ đề được bàn tán rất sôi nổi trong các hội nhóm, fanpage liên quan đến giao thông.
Với mức thưởng cao nhất là 5 triệu đồng/vụ nếu phản ánh thông tin vi phạm giao thông, nhiều người cho biêt đây là khoản tiền hấp dẫn để tăng thêm thu nhập và cũng là cách để tình hình giao thông trật tự, an toàn hơn. Tuy nhiên, nhiều người cho hay chưa biết cách để phản ánh các vi phạm giao thông này đến lực lượng chức năng.
Theo đó, người dân có nhiều cách để gửi thông tin, hình ảnh, clip phản ánh vi phạm giao thông như qua ứng dụng VNeTraffic, iHanoi hoặc đường dây nóng của Cục CSGT hoặc Phòng CSGT công an các địa phương; trang Zalo của Phòng CSGT công an các địa phương.
Đối với VNeTraffic, người dân có thể tải ứng dụng này về điện thoại di động từ Google Play (với Android) hoặc App Store (đối với iOS). Sau đó, quét mã QR trên Căn cước công dân gắn chíp để điền các thông tin cá nhân; tiếp đến nhập mã OTP, thiết lập mật khẩu và xác nhận hoàn thành để đăng ký tài khoản.
Để gửi phản ánh, tại màn hình, người dân nhấn vào mục “Tạo phản ánh” (1) (hoặc nhấn nút “+”), nhập đúng loại phản ánh, thông tin xảy ra sự việc, tỉnh/ thành phố và địa điểm xảy ra sự việc. Ngoài ra, người dân cũng cần nhập nội dung của vụ việc kèm theo hình ảnh hoặc video.
Cách phản ánh vi phạm giao thông trên VNeTraffic
Lưu ý, theo Nghị định 135/2021, clip vi phạm giao thông gửi cho CSGT sẽ được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính nếu đáp ứng được yêu cầu về dữ liệu theo quy định như clip thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông.
Đặc biệt, hình ảnh trong clip không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức. Clip phản ánh khách quan, chính xác, trung thực, rõ ràng về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm. Đáp ứng yêu cầu về thời hạn sử dụng clip theo quy định.
Thời hạn sử dụng kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xác định tổ chức, cá nhân vi phạm được tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận được kết quả cho đến hết ngày cuối cùng của thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông là 1 năm. Nếu hành vi vi phạm giao thông đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm (theo Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi năm 2020).
Quá thời hạn kể trên mà CSGT không ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền thì clip vi phạm giao thông vụ không còn giá trị sử dụng để xử phạt.
Tại ứng dụng iHanoi, người dân có thể gửi phản ánh, kiến nghị liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đó có giao thông. Cơ quan chức năng sẽ trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua ứng dụng.
Lưu ý: Những trường thông tin có hiển thị dấu “*” là bắt buộc nhập.
Ngoài các ứng dụng trực tuyến, Cổng thông tin điện tử Cục CSGT cũng có đăng tải công khai số điện thoại của Cục và công an 63 tỉnh/thành phố, người dân có thể thông tin, phản ánh trực tiếp qua các số điện thoại này.
Ngoài ra, người dân có thể liên hệ tổng đài 19008099 của CSGT để phản ánh về tình hình trật tự an toàn giao thông hoặc cần hỗ trợ khác.
Trên thực tế, lực lượng chức năng còn tiếp nhận phản ánh thông tin qua các đầu mối khác như các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử của Bộ Công an, Cục CSGT (csgt.vn)...
Người dân hoàn toàn có thể gửi thông tin về các vụ việc vi phạm trật tự an toàn giao thông qua những nguồn uy tín này.