Trong khi ở thành phố, nhiều phụ huynh loay hoay với phong bì, hoa và quà đắt tiền tặng cho giáo viên, thì ở nông thôn, ngày 20/11 vẫn đầy ấm áp bởi những món quà giản dị chất chứa yêu thương của trò nghèo…
Tặng cô mật mía, sim rừng...
Đó là những món quà mà cô giáo Chu Thị Nga - Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên) không thể quên được suốt những năm tháng gắn bó với học trò vùng cao. Cô kể: “Không cứ phải là ngày 20/11, học sinh và phụ huynh vùng cao rất thương và yêu cô giáo, mùa nào thức ấy, gia đình thu hoạch được gì các em đều gói ghém một phần mang đến cho cô, bữa thì cân gạo nếp, bữa vài củ sắn, bắp ngô hay mấy gióng cơm lam, quả dừa…”.
Cô Nga còn nhớ như in ngày 20/11 cách đây 2 năm cô nhận được món quà là một vốc… sim rừng chín mọng được 2 em học sinh gói gém trong chiếc mũ lưỡi trai còn đẫm mồ hôi. Đây là thành quả các em hái được trên đường đến trường. “Đến mấy hôm sau vô tình thò tay vào hộc bàn tôi còn phát hiện một chai… mật mía bị đổ chảy lênh láng, hỏi mãi thì một học sinh nữ mới sợ sệt đứng lên nước mắt ngắn dài nói: Là của em mang tặng cô nhân ngày 20/11... Lúc ấy tôi chỉ biết khóc mà không nói được lời nào” – cô Nga xúc động kể.
Đối với cô Phan Kim Tuyến – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Suối Tọ 2 (xã Suối Tọ, Phù Yên, Sơn La) thì món quà lớn nhất chính là việc sĩ số các lớp luôn đủ. “Học sinh ở đây nghèo, các em chịu khó đi bộ… vài tiếng đồng hồ đến trường học cái chữ cũng là may cho các cô lắm rồi, còn ngày 20.11 các em và phụ huynh có khi không nhớ đâu. Những ngày đó, giáo viên thường phối hợp với xã tập trung các em lại tổ chức một buổi văn nghệ “thầy cô hát cho trò nghe” để chúc mừng… các thầy cô và giúp các em gần gũi với giáo viên hơn” – cô Tuyến nói.
Cô Vàng Thị Ghếnh - giáo viên mầm non ở huyện vùng cao Si Ma Cai (Lào Cai) cũng từng rớt nước mắt khi nhận được những… bó rau được phụ huynh gói ghém cẩn thận cho con mang đến biếu cô nhân ngày 20/11. Cô Ghếnh cho biết, cuộc sống của giáo viên vùng cao còn nhiều thiếu thốn. Bình thường các cô rất ít có thời gian để xuống chợ mua lương thực tươi sống. Ngay cả việc trồng rau xanh để ăn cũng rất khó khăn vì thiếu nước, vì vậy những bó rau rừng, rau xanh của gia đình các em trồng mang tặng là rất quý.
Giữ thầy cô ở lại với nghề
Chính những món quà giản dị nhận được từ những trái tim trong sáng không hề vụ lợi ấy đã giúp nhiều giáo viên vượt qua khó khăn ở lại với nghề.
Sau 4 năm học ĐH, năm 2003 cô Trần Thị Ngọc Trang cầm hồ sơ đến nhận việc tại Trường Mầm non Thạch Bình (Thạch Hà, Hà Tĩnh). Đây là một trường vùng khó, chưa có cơ sở vật chất, lớp học nhà tranh vách đất, không có đồ chơi, ngay cả công trình vệ sinh, nguồn nước cũng chưa có. “Mỗi tháng tôi chỉ nhận được 220.000 đồng tiền lương nhưng là... quy ra thóc. Cứ dồn đó, đến vụ thu hoạch hợp tác xã gọi các cô ra sân kho để nhận thóc thay lương. Ngày 20/11, có phụ huynh nhớ thì cũng tặng… thóc. Người thân khuyên tôi bỏ nghề nhưng cứ nhìn các em chân trần, áo không đủ ấm giữa mùa đông vẫn gắng đến trường là tôi không đủ quyết tâm” – cô Trang nói.
Tương tự, động lực giúp cô giáo Trần Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Mù Cả ở lại với vùng cao Mường Tè (Lai Châu) nhiều năm qua chính là những đùm gạo, mớ rau, cái hoa chuối được phụ huynh và học sinh mang tặng nhân ngày 20/11. Còn thầy Nguyễn Trai- một thầy giáo tình nguyện ở xã Phú Đa (Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) thì cho biết, dịp 20/11 thường là dịp… dỡ khoai của người dân xã Phú Đa.
“Cứ đến ngày nớ là nhà tui đầy khoai do học trò tặng. Có năm không ăn hết phải cho bớt người thân, hàng xóm. Mình hy vọng ở tương lai, các em không còn cuốc đất lật cỏ để trồng khoai nuôi những bữa cơm nghèo nữa, mà phải có nghề nghiệp thành thạo để ngay cả khi làm nông cũng phải làm công nghệ cao để thay đổi cuộc đời. Vì thế, mình lại cố gắng dạy chữ cho các em để giúp các em nắm bắt cơ hội” - thầy Trai tâm sự.
“Trước ngày 20/11, Bộ GDĐT đã có thông báo về chủ trương không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng nhân ngày 20/11 tại cơ quan Bộ. Nhiều Sở GDĐT địa phương cũng đã ra thông báo không nhận hoa, quà, tiếp khách vào ngày lễ này, điển hình là Sở GDĐT Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Bình… Cá biệt, Trường Mầm non Duy An (TP.Hồ Chí Minh) còn dán thông báo tại cổng trường từ chối nhận tất cả các loại quà, dù là bất cứ hình thức nào. |