Cần khởi tố vụ thuê người chặt tay, chân để lừa bảo hiểm?

Ngày 26/08/2016 09:53 AM (GMT+7)

Cơ quan công an đã ra quyết định không khởi tố vụ án, trong khi các chuyên gia đang có hai luồng quan điểm khác nhau…

Cần khởi tố vụ thuê người chặt tay, chân để lừa bảo hiểm? - 1

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: T.PHAN. Ảnh nhỏ: Tình trạng của chị N. sau khi công an tới hiện trường. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Trong vụ chị LTN (30 tuổi, ngụ huyện Phúc Thọ, Hà Nội) thuê DVD chặt tay, chân của mình nhằm mục đích lừa tiền bồi thường bảo hiểm, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì cho rằng hành vi của chị có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng mục đích chưa đạt được.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia đang có hai luồng quan điểm về chuyện có cần khởi tố vụ án hay không.

Cần khởi tố vụ án trước

Theo ông Nguyễn Đình Thắm (VKSND Cấp cao tại Hà Nội), về nguyên tắc, khi thấy có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan công an nên khởi tố vụ án để điều tra làm sáng tỏ những vấn đề liên quan. Ở đây, cơ quan công an cần khởi tố vụ án để điều tra làm rõ về hai hành vi là cố ý gây thương tích của D. và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị N. Quá trình điều tra sau đó, cơ quan tố tụng sẽ tiếp tục làm rõ các dấu hiệu cấu thành tội phạm từ hai người này, nếu có cơ sở thì sẽ ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố bị can.

Vấn đề còn lại, theo ông Thắm là có thể khởi tố bị can được đối với D. về tội cố ý gây thương tích và đối với chị N. về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không? “Với những thông tin như hiện nay thì rất khó” - ông Thắm nhận xét.

Ông Thắm phân tích: Thứ nhất, khó khép tội hành vi của D. bởi theo khoản 1 Điều 104 BLHS, người phạm tội cố ý gây thương tích trước hết phải có hành vi cố ý xâm phạm đến sức khỏe người khác, nói cách khác là phải trái ý muốn của người bị hại. Nhưng trong trường hợp này chị N. lại có thỏa thuận với D. giống như một giao dịch dân sự để thực hiện hành vi. Tất nhiên thỏa thuận này là trái pháp luật nhưng nó không thể hiện yếu tố cố ý xâm phạm trái phép sức khỏe của chị N. Ngoài ra, chị N. không yêu cầu xử lý D. và cũng không có yêu cầu được đi giám định tỉ lệ thương tật để có căn cứ định tội.

Thứ hai, chị N. có ý định lừa tiền bồi thường bảo hiểm từ đầu nhưng mới chuẩn bị phạm tội thì đã bị cơ quan công an phát hiện, lật tẩy vụ “tai nạn tàu hỏa” nên mục đích chưa thành, chưa lừa được tiền. Thậm chí chị N. còn chưa kịp làm hồ sơ yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường, tức công ty bảo hiểm chưa bị tác động và chưa bị ảnh hưởng gì. Về mặt cấu thành tội phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS) thì không đủ các dấu hiệu cần thiết.

Không khởi tố vụ án vì không có sự việc phạm tội

Trong khi đó, luật sư Lưu Văn Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) và ông Nguyễn Kim Tiếng (nguyên Viện trưởng VKSND quận 5, TP.HCM) lại cùng chung nhận định là cơ quan công an không khởi tố vụ án là đúng vì hành vi của cả D. lẫn chị N. đều không cấu thành tội phạm.

Tương tự như phân tích của ông Nguyễn Đình Thắm, các chuyên gia này cũng cho rằng hành vi chặt tay, chân chị N. của D. là trái pháp luật nhưng không thể hiện việc cố ý xâm phạm đến sức khỏe chị N. vì hai bên có thỏa thuận. Mặt khác, chị N. không làm đơn yêu cầu khởi tố, cũng không yêu cầu đi giám định tỉ lệ thương tật nên chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích. Cạnh đó, hành vi thuê người chặt tay, chân của chị N. nhằm lừa tiền bảo hiểm cũng là trái pháp luật. Tuy nhiên, sau khi bị chặt tay, chân thì chị N. chưa tiến hành được các bước tiếp theo để thực hiện ý định (chưa lập hồ sơ yêu cầu chi trả bảo hiểm, chưa dùng chứng cứ giả tạo yêu cầu công ty bảo hiểm chi trả khoản tiền theo các hợp đồng bảo hiểm đã mua) và chưa chiếm được tài sản của ai. Vì vậy, hành vi của chị không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt  tài sản.

“Không có sự việc phạm tội thì không thể khởi tố vụ án. Nếu khởi tố không đúng lại phải đình chỉ, lúc đó hậu quả pháp lý sẽ phức tạp” - ông Nguyễn Kim Tiếng khẳng định.

Công an đề xuất xử phạt hành chính

Ngày 25-8, Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết đã đề xuất lãnh đạo công an quận ra quyết định xử phạt hành chính chị N. 1,5 triệu đồng về hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác theo điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…).

Bên cạnh đó, Đội CSĐT tội phạm về TTXH cũng đề xuất xử phạt hành chính D. 750.000 đồng về hành vi báo thông tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013. Ngoài ra, đơn vị này cũng cho biết dù D. được chị N. thuê chặt tay, chân nhưng cơ quan công an vẫn đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xem xét dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích đối với D.

Tuyến Phan

Theo Thanh Tùng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự