Số người mắc đau mắt đỏ tiếp tục lan rộng, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương nhanh chóng phát hiện, xử lý các ổ dịch.
Ngày 3/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo báo cáo giám sát của các đơn vị y tế từ đầu tháng 9/2013 đến nay tại nhiều địa phương trong cả nước ghi nhận số người mắc bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) do virus gia tăng so với các tháng 7 và tháng 8. Nhiều tỉnh có số người mắc bệnh rất cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định.
Để hạn chế ca mắc bệnh trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quan tâm chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng.
Người lớn, trẻ em ngồi chờ đến lượt khám, chữa bệnh đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt TP.HCM
Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh cần tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời cho các đơn vị, địa phương có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh; chuẩn bị đầy đủ, không để thiếu thuốc, không tăng giá thuốc; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Tại các tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường và thông báo ngay cho các đơn vị y tế dự phòng khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để. Các trường mẫu giáo, mầm non cần đảm bảo vệ sinh trường học tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, bệnh đau mắt đỏ là bệnh truyền nhiễm cấp tính thường do virus nhóm Adeno và Picorna. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm virus hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh.
Bệnh thường diễn biến lành tính, các biến chứng nặng ít gặp nhưng có thể xảy ra. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.
Bệnh đau mắt đỏ có nguy cơ gia tăng và lan rộng trong cộng đồngvới triệu chứng thường gặp như sốt nhẹ; cộm mắt, đau, sưng, đỏ mắt; tiết nhiều dịch dử mắt và chảy nước mắt.
Bộ Y tế khuyến cáo 6 biện pháp chủ động phòng bệnh 1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Rửa mặt hằng ngày bằng khăn mặt riêng với nước sạch. 2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường. 3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của bệnh nhân. 4. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt, vật dụng cá nhân dễ bị nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, kính mắt. 5. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người nghi bị đau mắt đỏ. 6. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế. |